TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Tiêu điểm: Đà Nẵng: Ô nhiễm môi trường từ nước thải

Trần Long (VTV8)Cập nhật 10:19 ngày 17/08/2018

VTV.vn - Nước thải và chất thải bị quá tải– một vấn đề đang tác động không nhỏ đến sự phát triển bền vững của Đà Nẵng, một điểm đến luôn được đánh giá là thân thiện với du khách.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng, tổng lượng nước thải sinh hoạt phát sinh từ khu vực đô thị trên địa bàn thành phố gần 900.000 m3/ngày đêm. Trong khi đó, Tổng công suất thiết kế của các trạm xử lý nước thải đô thị đang vận hành mới khoảng 284.300 m3/ngày đêm (tức chỉ có khoảng 1/3 khối lượng nước thải được xử lý). Trước áp lực xả thải, Đà Nẵng đã nhiều lần nâng công suất các trạm xử lý nước thải nhưng vẫn không theo kịp thực tế. Vậy gần 2/3 lượng nước thải còn lại gần như không được xử lý được xả vào hệ thống thoát nước chung, sông, mương thoát nước, các ao hồ của thành phố. 

Chi cục bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên – Môi trường thành phố Đà Nẵng cũng cho biết, từ tháng 8 năm 2017 đến nay, đơn vị đã phát hiện và xử lý gần chục trường hợp các nhà hàng, khách sạn và các công trình xây dựng khách sạn tại quận Ngũ Hành Sơn và quận Sơn Trà tự ý xả thải ra vào hệ thống nước thải ven biển, gây tràn ô nhiễm biển.

Theo quy định của chính quyền Đà Nẵng, các nhà hàng, khách sạn tại bờ Đông thành phố chỉ được phép đấu nối với đường ống xả thải ra khu vực bờ Tây sông Hàn. Hệ thống xả thải ở đây chỉ tiếp nhận nước thải sinh hoạt của khu dân cư, những hành vi xả thải vào hệ thống khu vực ven biển cần được xử lý.

Trong cuộc họp thường kỳ của UBND thành phố Đà Nẵng được tổ chức các đây không lâu. Lãnh đạo thành phố đã yêu cầu phải xử lý dứt điểm tình trạng này, cần xử phạt hết khung đối với các dự án gây ô nhiễm, xả nước thải khi chưa được cấp phép.

Thế nhưng rắc rối về môi trường không chỉ có nước thải, mà còn vô số những thứ chất thải khác do hàng triệu người dân và du khách thải ra mỗi ngày, trong đó có chất thải rắn. Trung bình mỗi ngày thành phố Đà Nẵng có khoảng 850 - 900 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Và đích đến của chúng là bãi rác Khánh Sơn. Bãi rác này được xây dựng cách đây hơn 25 năm và cũng trong suốt thời gian này, nước rỉ rác tại bãi rác này là căn nguyên hàng loạt bức xúc của người dân.

Qua tìm hiểu được biết, từ năm 2010, UBND TP Đà Nẵng đã đồng ý cho Công ty TNHH Khoa học - Công nghệ và bảo vệ môi trường Quốc Việt đầu tư hệ thống xử lý nước rỉ rác với công suất 1.000m3/ngày đêm tại bãi rác Khánh Sơn. Tuy nhiên, qua 6 năm đưa vào vận hành, hệ thống xử lý nước rỉ rác không phát huy hiệu quả và ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Trong cuộc kiểm tra cách đây 2 năm, Cục kiểm soát bảo vệ môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tỏ ra lo ngại về tình trạng ô nhiễm tại đây, song mọi chuyện đâu vẫn vào đấy.

Cuối năm 2016, UBND TP. Đà Nẵng đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình: Nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý nước rỉ rác tại bãi rác Khánh Sơn với kinh phí gần 90 tỉ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành đi vào hoạt động vào cuối năm nay. Tuy nhiên, đó chỉ là dự kiến, bởi người dân nơi đây đã từng thất vọng khi đón nhận thông tin: Thời hạn đóng cửa bãi rác Khánh Sơn tiếp tục lùi về sang năm 2024 thay vì năm 2019. Như vậy cả một vùng rộng lớn từ các khu dân cư trên địa bàn Liên Chiểu đến vịnh Đà Nẵng nạn ô nhiễm vẫn chưa được hóa giải.

Trước vấn đề về môi trường, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng cũng cho biết đang đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành các dự án nhà máy xử lý nước thải cũng như hệ thống thu gom nước thải ven biển, cùng với đó xúc tiến xây dựng Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại xã Hòa Nhơn, với kỳ vọng hoàn thành mục tiêu "Thành phố Môi trường" vào năm 2020. Thế nhưng, liệu 2 năm nữa, năng lực xử lý nước thải, chất thải sẽ đáp ứng được nhu cầu thực tế, hay chỉ cũng bị quá tải sau vài năm vận hành? Nhiều ý kiến cho rằng, cùng với các giải pháp trên thì Đà Nẵng cũng cần dự báo chính xác về quy mô phát triển đô thị thời gian tới. Câu chuyện quản lý môi trường – nhìn từ hệ thống quản lý nước thải tại Đà Nẵng hy vọng sẽ là một ví dụ cụ thể cho các địa phương, nhất là những đô thị trẻ, những trung tâm du lịch đang trên đà phát triển.

Khó phân loại rác đầu nguồn

VTV.vn-Đã 6 ngày từ khi luật phân loại rác thải đầu nguồn được áp dụng, tại các khu dân ở nhiều địa phương, tình trạng rác sinh hoạt mà các hộ dân thải ra vẫn không được phân loại.