Vài năm trở lại đây, chuyến biển của nhiều ngư dân tại miền Trung đã không còn đầy ắp tôm cá như trước. Các ngư dân cho biết, ngoài chuyện thời tiết, biến đổi khí hậu thì nguồn hải sản bị suy giảm một phần là do vẫn còn nhiều ngư dân đánh bắt bằng nghề giã cào, đánh bắt theo lối tận diệt, ngay cả mùa cá sinh sản. Tình trạng này không mới, đã diễn ra từ lâu nhưng vẫn chưa thể xử lý triệt để tại các địa phương trên cả nước.
Ngoài nạn giã cào và dùng xung điện, hiện nay ở nhiều vùng biển miền Trung, một số ngư dân lén lút sử dụng thuốc nổ. Nhiều trường hợp đã bị phát hiện và xử lý tại xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Đặc biệt đã có trường hợp làm nhiều ngư dân bị thương vong.
Hậu quả nghiêm trọng nhưng đáng ngại là việc ngăn chặn tàu vi phạm vẫn rất khó khăn . Số liệu từ Tổng cục thuỷ sản cho biết, cả vùng biển miền Trung, số tàu vi phạm đánh bắt theo hình thức nghề giã cào, xung điện và thuốc nổ bị bắt giữ từ đầu năm đến nay đã lên đến con số hàng trăm phương tiện. Theo như ông Nguyễn Văn Mười - Trưởng phòng Thanh tra pháp chế, Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi: "Mặc dù Các ngành chức năng tổ chức các hoạt động tuyên truyền, kiểm soát hoạt động đánh bắt hải sản. Tuy nhiên vẫn còn đánh bắt hải tận diệt. Nguyên nhân là do lực lượng kiểm soát còn mỏng, chưa chặt chẽ." Nguồn lực hạn chế, lực lượng chuyên trách mỏng về cả nhân lực và vật lực cũng là thực trạng chung mà các ngành chức năng tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định đưa ra khi trao đổi với phóng viên VTV8.
Tuy nhiên, nhìn vào nguyên nhân sâu xa, việc nảy sinh câu chuyện đánh bắt kiểu tận diệt và kéo dài nhiều năm nay, cũng bắt nguồn từ điều kiện kinh tế khó khăn, ngư dân không có đủ vốn để chuyển đổi phương tiện công suất lớn. Trong khi đó, chỉ cần bỏ ra vài chục đến vài trăm nghìn đồng là họ đã có thể mua thuốc nổ, dây điện để sử dụng. Nếu có bị bắt, các hình thức răn đe, chế tài xử phạt còn thiếu quyết liệt.
Để hạn chế tiến tới ngăn chặn hoàn toàn hình thức đánh bắt thuỷ sản theo kiểu tận diệt, Các lực lượng chức năng cho biết đã và sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để bảo vệ sinh kế lâu dài cho người dân vùng ven biển, trong đó tiếp tục tăng cường tuần tra kiểm soát, gắn với tuyên truyền nâng cao ý thức của ngư dân, và kiên quyết không cho phát sinh thêm tàu giã cào
Việc cấp bách nhất cần làm là tác động đến nhận thức ngư dân phải chấm dứt khai thác thủy sản tận diệt. Đó không chỉ là tuyên truyền, có những chính sách tạo kế sinh nhau cho ngư dân, mà cần ban hành đủ các văn bản pháp luật để xử lý vi phạm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định việc ban hành một nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản là rất cần thiết và đã tờ trình Bộ tư pháp thẩm định Nghị định này; trong đó có đề xuất tăng mức phạt tiền và các biện pháp rất nghiêm khắc như thu hồi giấy phép khai thác thủy sản. Việc áp dụng mức phạt cao để nhằm tác động vào ý thức của người dân và tước đi lợi ích của người vi phạm nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm tượng tự tiếp tục xảy ra để bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!