Trong thời điểm hiện nay, khoai tây Trung Quốc nhập về chợ nông sản Đà Lạt rất nhiều. Những bao khoai tây dù rất sạch sẽ nhưng chúng vẫn được đưa vào các máy rửa lại và làm cho trầy xước. Việc làm trầy xước khoai chỉ là bước 1 của việc biến khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt. Sau khi được đánh trầy vỏ, công đoạn tiếp theo là trộn đất. Và bằng chiêu thức này, khoai tây Trung Quốc đã biến thành khoai tây Đà Lạt; lớp vỏ khoai từ trắng đã chuyển sang màu đất đỏ.
Theo tính toán thì 1kg khoai tây Trung Quốc khi giả mạo thành khoai tây Đà Lạt và bán ra thị trường có giá cao gấp 3 lần. Người tiêu dùng, thậm chí ngay cả những người sống tại Đà Lạt cũng khó phân biệt được. Còn với nông dân, việc làm này khiến nông sản bị ép giá, dẫn đến mất giá, về lâu dài người tiêu dùng sẽ không còn tin vào chất lượng của nông sản Đà Lạt.
Việc biến khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt được ngành chức năng xác định là những hành vi vi phạm luật sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại và nhãn mác hàng hóa. Trước thực trạng này, UBND TP. Đà Lạt khẩn trương ban hành quy chế quản lý Chợ nông sản Đà Lạt; không để xảy ra tình trạng đánh lừa người tiêu dùng; yêu cầu xử lý các cửa hàng, các vựa, các tiểu thương, đầu mối có tham gia vận tải hàng nông sản từ nơi khác đến địa phương.
Còn về phía người tiêu dùng, phân biệt được khoai tây Trung Quốc và khoai tây Đà Lạt là cách để không bị mất tiền oan, bảo vệ quyền lợi của chính mình.
Giữa hai loại khoai tây da vàng, da hồng Đà Lạt và Trung Quốc có nhiều điểm khác biệt có thể phân biệt bằng mắt thường. Với khoai tây da hồng: củ khoai Trung Quốc to, dài, kích thước đồng đều, vỏ dày, trên vỏ có các chấm li ti, mắt củ to, ruột khoai có màu vàng đậm. Trong khi đó khoai tây Đà Lạt củ vừa phải, hình bầu dục hoặc tròn, ít đồng đều, vỏ mỏng nên dễ bị trầy, mắt củ ít và nhỏ, ruột có màu vàng nhạt.
Đối với loại khoai tây da vàng, ruột khoai Trung Quốc có màu trắng hơi ngả vàng, còn ruột khoai Đà Lạt có màu vàng, ươm. Bên cạnh đó, người người tiêu dùng cũng có thể thử bằng cách dùng dao cắt ngang củ khoai tây ra rồi dùng ngón tay lướt ngang trên bề mặt, nếu thấy nhiều nước ướt trên ngón tay là khoai Trung Quốc, còn khô là khoai Đà Lạt.
Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã quyết định chi hơn 1 tỷ đồng để để thực hiện đề án có tên gọi "Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành", tập trung cho việc xây dựng thương hiệu cho nông sản Đà Lạt. Với mặt hàng khoai tây, dự kiến, sẽ có 10.000 tờ rơi và 500 poster được cấp phát đến người tiêu dùng giúp phân biệt khoai tây Đà Lạt với khoai tây từ các nguồn khác trên thị trường. Gần 30.000 bao bì và thùng carton, gần 1 triệu tem và nhãn dán chống hàng giả cũng được in ấn để cung cấp cho nông dân đóng gói khoai tây Đà Lạt trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.