TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

[Tiêu điểm] Ngăn chặn du khách nước ngoài thanh toán "chui" bằng phần mềm trực tuyến

Nhóm phóng viên VTV8Cập nhật 22:44 ngày 29/08/2018

VTV.vn - Thanh toán bằng phần mềm là hình thức giao dịch kín qua điện thoại di động giữa bên mua và bên bán, nên rất khó bắt quả tang và không có chứng cứ như các loại hóa đơn.

"Wechat pay" là một phần mềm của công ty Trung Quốc, cài trên điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng. Du khách Trung Quốc đến Việt Nam, chỉ cần cầm điện thoại di dộng, quét mã bằng ứng dụng Wechat pay, tiền mua hàng lập tức được trừ vào tài khoản mở tại ngân hàng Trung Quốc. Nói đơn giản, nhờ có phần mềm này mà chiếc máy điện thoại trở thành một thẻ thanh toán di động trực tuyến của du khách Trung Quốc tại Việt Nam. Tiền mua bán chảy thẳng về Trung Quốc mà không phải thông qua bất cứ một ngân hàng nào, không phải chịu bất cứ một khoản thuế nào của Việt Nam.

Một điểm đáng chú ý, "Wechat pay" muốn sử dụng được ở Việt Nam, thì bắt buộc chủ cửa hàng phải có tài khoản ngân hàng bên Trung Quốc. Do đó mới có tình trạng một số đơn vị lữ hành, một số chủ cửa hàng, vả cả hướng dẫn viên vì muốn đáp ứng nhu cầu của lượng lớn khách Trung Quốc, đã lén lút bắt tay, chấp nhận sử dụng các ứng dụng thanh toán trực tuyến chưa được chấp nhận này tại Việt Nam. Hình thức thanh toán này đang xuất hiện ngày càng nhiều ở các nơi tập trung nhiều du khách Trung Quốc như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Nha Trang…. Trong nội dung báo cáo và kiến nghị gửi cho UBND tỉnh Khánh Hòa ngày 20/7/2018, Bộ Tài chính gọi cách thức thanh toán này là "hình thức trốn thuế". Bản chất là mua hàng, lấy hàng ở Việt Nam, nhưng dòng tiền lại từ tài khoản của khách ở ngân hàng nước ngoài, chỉ "đi qua" Việt Nam, rồi chảy ngược trở lại một tài khoản cá nhân khác cũng ở nước ngoài. Theo báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa gửi Bộ Tài chính, hiện nay tại địa bàn tỉnh có 417 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, trong đó có 25 doanh nghiệp phục vụ riêng cho khách Trung Quốc. Tuy nhiên, thanh toán bằng phần mềm là hình thức giao dịch kín qua điện thoại di động giữa bên mua và bên bán, nên rất khó bắt quả tang và không có chứng cứ như các loại hóa đơn, chứng từ. Cơ quan quản lý Việt Nam không thể kiểm soát được dữ liệu về quy mô và số lượt giao dịch

Bên cạnh thanh toán bằng quét mã qua điện thoại di động, có một hình thức thanh toán khác nữa của khách Trung Quốc, đó là trả hóa đơn bằng thẻ tín dụng, quét bằng máy thanh toán POS – loại máy rất dễ nhìn thấy tại các cửa hàng siêu thị, cửa hàng… Theo tìm hiểu, có một loại máy POS "chui" được nhập về Việt Nam, chuyển thẳng thanh toán ra nước ngoài. Mới đây, vào tháng 5/2018, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh đã bắt quả tang 1 cửa hàng đang dùng 3 máy POS trái phép, để giao dịch hơn 200 nghìn nhân dân tệ, tương đương 700 triệu đồng tiền hàng với khách Trung Quốc. Hàng từ Việt Nam đã ra khỏi nội địa; tiền cũng từ tài khoản tại ngân hàng Trung Quốc "vòng qua" Việt Nam rồi quay trở lại Trung Quốc. Hiện toàn bộ các máy POS này đã được niêm phong chuyển về cho Ngân hàng nhà nước chi nhánh Quảng Ninh.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: Chuỗi thanh toán trái phép xuyên biên giới này gồm 3 mắt xích là khách du lịch nước ngoài, công ty lữ hành và các cửa hàng chấp nhận thanh toán kiểu này. Để ngăn chặn thì về phía Việt Nam trước hết phải quản lý được các cửa hàng và các công ty du lịch. Ngày 22/8 vừa qua, UBND tỉnh đã có văn bản trình Văn phòng Chính phủ đề nghị các Bộ, ngành có biện pháp quản lý hoạt động thanh toán qua thẻ POS, ứng dụng của Alipay, Wechat Pay... với khách Trung Quốc. Về phía Cục thuế tỉnh Khánh Hòa, cũng đã tổ chức các đoàn kiểm tra, rà soát tình hình thanh toán qua POS tại các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch, bán hàng cho khách nước ngoài..

Trong quá trình kiểm tra, ngành Thuế Khánh Hòa cho biết chưa có giải pháp quản lý (về quy trình và công nghệ) nên việc kiểm tra, giám sát việc các cửa hàng chấp hành các quy định của pháp luật rất khó khăn. Tình trạng này là một bằng chứng điển hình cho thấy, còn nhiều kẽ hở trong quản lý các hoạt động thanh toán của người nước ngoài khi vào Việt Nam. Tuy nhiên, không vì khó mà bỏ qua, bởi thuế là nguồn thu chủ yếu để xây dựng và phát triển đất nước. Và để chấm dứt tình trạng thanh toán trực tuyến trái phép này rất cần sự phối hợp đồng bộ của nhiều ban ngành.  

Khi Nghị quyết đi vào cuộc sống - Nhìn từ một thị trấn mới

VTV.vn - Nghị quyết Đại hội lần thứ 20 của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi xác định, phấn đấu xây dựng xã Tịnh Hà và một phần xã Tịnh Sơn huyện Sơn Tịnh thành thị trấn của huyện Sơn Tịnh.