Theo đó, Trái Đất có thể chạm đến điểm giới hạn của hiệu ứng nhà kính chỉ sau vài thập kỷ nữa, khi nhiệt độ trung bình trên Trái đất sẽ tăng từ 4 đến 5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và mực nước biển dâng cao từ 10 đến 60m so với hiện nay. Vượt qua ngưỡng nhiệt này, Trái đất sẽ bước vào hiệu ứng nhà nóng do nhiệt độ tăng kéo theo phản ứng tích tụ nhiệt tạo ra 1 vòng lặp không lối thoát, khi băng ở 2 cực tan giải phóng carbon và cháy rừng thải ra CO2 khiến Trái đất biến thành 1 nhà kính khổng lồ liên tục hấp thu nhiệt lượng và nóng lên không ngừng.
Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh thế giới đang trải qua mùa hè khắc nghiệt nhất từ trước đến nay với nhiệt độ trung bình tháng 6 cao thứ hai trong lịch sử và mức nhiệt trong 7 tháng đầu năm nay đã khiến năm 2018 trở thành năm nóng nhất từ trước đến nay.
Nắng nóng kinh hoàng đang thiêu đốt nhiều khu vực trên thế giới. Nhiệt độ cao gây cháy rừng trên diện rộng tại Mỹ và nhiều nước châu Âu. Thủ đô Praha của Cộng hòa Séc vừa trải qua mùa hè nóng nhất trong 244 năm. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha có mức nhiệt kỷ lục là 44 độ C và 47 độ C. Đức đang trải qua mùa Hè nóng thứ hai trong lịch sử và khô hạn nhất trong hơn 1 thế kỷ.
Pháp dừng hoạt động 4 lò phản ứng hạt nhân và cấm các phương tiện gây ô nhiễm đồng thời hạ giới hạn tốc độ giao thông xuống còn 20km/giờ do nắng nóng kéo dài. Nhiệt độ tại Seoul, Hàn Quốc lên tới 39,6 độ C, nóng nhất trong vòng 111 năm đã khiến 42 người thiệt mạng.
Trong 3 tháng qua, trên khắp Nhật Bản có tới 138 người tử vong do sốc nhiệt, hơn 71.00 người phải nhập viện do say nắng với nhiệt độ nhiều nơi lên tới 41 độ C. Nắng nóng còn là nguyên nhân gây ra mưa bão bất thường. Trong mùa hè qua Nhật Bản đã liên tiếp hứng chịu những đợt lũ lụt cướp đi sinh mạng của 220 người.
Tại vòng đàm phán giữa các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp quốc về biến đổi khí hậu ở Bangkok, các đại biểu đã kêu gọi đẩy nhanh tốc độ thương thảo nhằm tìm tiếng nói chung về bộ quy tắc hướng dẫn thực thi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu với cam kết giữ nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 2 độ C trong thế kỷ này và hỗ trợ những nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nhất của tình trạng này. Vòng đàm phán cuối cùng này diễn ra trong bối cảnh vẫn còn nhiều bất đồng giữa các bên về thực thi mục tiêu giảm khí thải nhà kính nhằm mục đích tạo điều kiện hoàn thành kịp thời chương trình làm việc theo Thỏa thuận Paris. Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là đạt được sự cân bằng hợp lý giữa nghĩa vụ của các nước phát triển và đang phát triển để bảo đảm sự hỗ trợ 100 tỉ USD mỗi năm từ năm 2020 giúp các nước nghèo đối phó biến đổi khí hậu.
Thủ đô Bangkok của Thái Lan cũng chính là 1 trong những thành phố lớn ở Đông Nam Á có thể bị ngập dưới mực nước biển chỉ trong vòng 1 thập niên nữa do mưa lũ thất thường. Rõ ràng thời gian không còn nhiều trước khi nhân loại chứng kiến những hậu quả của tình trạng ấm lên toàn cầu nếu không có những nỗ lực kịp thời cứu Trái đất trước ngưỡng nhiệt độ nguy hiểm không thể vãn hồi.