Mùa xuân này, có những người lính tham gia chiến dịch Mậu Thân năm xưa quay trở lại thăm chiến trường ác liệt tại thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, cửa ngõ bảo vệ phía Bắc thành phố Huế trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy 50 năm trước. Thăm gia đình ông Phan Thạnh ở phường Hương Chữ (thị xã Hương Trà), những cựu chiến binh ở Tiểu đoàn 8 và Đội du kích Hương Chữ năm xưa không khỏi bồi hồi. Trong chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, gia đình ông Phan Giã (bố ông Thạnh) không tiếc lúa gạo, thực phẩm, cung cấp hàng loạt suất ăn và lương thực cho bộ đội cánh Bắc Huế tiến vào làm chủ Cố đô trong 26 ngày đêm. Dấu tích lưu giữ kỷ niệm tình quân dân vẫn còn, đó là chiếc bể cạn ướp dưa kiệu nuôi bộ đội đúng 50 năm trước. Ngôi nhà được bộ đội yêu mến đặt cho biệt danh "quán cơm xã hội chủ nghĩa".
Từ "quán cơm xã hội chủ nghĩa" của ông Phan Thạnh, nhiều quán cơm dân nuôi bộ đội khác cũng xuất hiện khắp xã Hương Chữ trong chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968. Dân không tiếc công sức, của cải, nuôi bộ đội với khát vọng đất nước sớm hòa bình, thống nhất.
Cũng trên địa bàn Hương Chữ, Đài tưởng niệm thôn Quê Chữ được lập để ghi dấu tình quân dân. Tại địa danh này, trong hai ngày mồng 6 và mồng 7 Tết Mậu Thân 1968, Tiểu đoàn 8 phân khu Trị Thiên cùng với quân và dân địa phương kiên cường sát cánh chiến đấu bảo vệ cửa ngõ phía Bắc thành phố Huế. Gần 100 cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 8 và quân dân địa phương đã anh dũng hy sinh.
Những ruộng vườn nuôi quân năm xưa giờ đã trù phú. Những bước chân cựu chiến binh trở về chiến trường xưa nay đã không còn dấu vết bom đạn. Trên con đường xây dựng đất nước đi lên hôm nay có đóng góp to lớn của nhân dân vùng chiến trường xưa không tiếc của cải, máu xương vì khát vọng độc lập, tự do...