Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, đa phần nạn nhân bị lừa đảo là người đồng bào tộc thiểu số. Đến thời điểm này đã có 6 trường hợp tự nguyện từ Thái Lan trở về. Tuy vậy, vẫn còn nhiều người không may mắn được trở về quê hương. Do vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác trước những lời dụ dỗ, lừa phỉnh của các đối tượng xấu để tránh rơi vào "bẫy lừa", tiền mất, tật mang.
Lừa đảo "việc nhẹ lương cao" là một trong những hình thức lừa đảo trên không gian mạng được Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an liên tục đưa ra các cảnh báo, đồng thời tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức để người dân cảnh giác. Thế nhưng, nhiều nạn nhân vẫn mắc bẫy qua những thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Thông qua các nhóm, trang fanpage trên mạng xã hội Facebook, Zalo,… các đối tượng đăng tin, bài nội dung quảng cáo Giới thiệu công việc nhẹ nhàng, mức thu nhập cao, chế độ đãi ngộ tốt mà không đòi hỏi kinh nghiệm, bằng cấp hay trình độ chuyên môn. Không ít người nhẹ dạ, cả tin đã sập bẫy.
Nhu cầu tìm việc làm chính đáng của nhiều người lại trở thành miếng mối béo bở của những kẻ lừa đảo. Nhiều người đã xuất cảnh ra nước ngoài với hy vọng về một cuộc sống sung sướng, việc nhẹ lương cao ở nơi đất khách quê người mà không biết mình sẽ làm công việc gì. Để khống chế các nạn nhân, khi còn ở Thái Lan, các đối tượng thường xuyên tuyên truyền, hù dọa những người dân tộc thiểu số không được hồi hương vì sẽ bị chính quyền bắt bớ, bỏ tù. Luận điệu của những kẻ độc ác, tráo trở đã khiến nhiều người ngậm đắng nuốt cay, đành phải chật vật sinh tồn nơi đất lạ quê người.
Để phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động đưa người xuất cảnh sang nước ngoài lao động trái phép, người lao động cần tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm nơi mình định đến làm việc; đặc điểm thông tin của người giới thiệu và tham khảo ý kiến của mọi người, cũng như cung cấp thông tin cho gia đình, người thân về địa điểm, công ty làm việc, thông tin người đi cùng trước khi xuất cảnh.
Khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người sang nước ngoài làm việc, có dấu hiệu nghi vấn lừa đảo, mua bán người, cần báo ngay cho cơ quan chức năng gần nhất để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý. Đồng thời, nếu có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài, người lao động nên tìm hiểu thông tin tuyển dụng lao động tại các đơn vị có giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài qua địa chỉ của Cục Quản lý lao động ngoài nước hoặc cơ quan quản lý lao động tại địa phương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!