Từ thực tiễn trong những năm qua khi nghề nuôi biển sử dụng vật liệu truyền thống bị thiệt hại lớn khi gặp bão cùng với yêu cầu Phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đồng bộ, an toàn, hiệu quả được thể hiện tại Ðề án phát triển nuôi trồng thủy sản cũng như Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 thì ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới để nâng cao hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản sẽ là giải pháp thực hiện các đề án, Nghị quyết này.
Tại 3 tỉnh Nam Trung bộ, lâu nay lồng bè nuôi thủy sản đều do ngư dân tự làm, chi phí thấp nên khả năng chống chịu thiên tai kém. Thiệt hại nặng nề từ những cơn bão gần đây, buộc các địa phương tính đến việc áp dụng vật liệu mới trong nuôi biển công nghiệp thích ứng với thiên tại. Như tại Khánh Hòa, nuôi biển bằng lồng HDPE đã được triển khai với 4 đối tượng nuôi: Cá giò, cá bớp, cá chim và cá chẽm thu hút nông dân và cả doanh nghiệp cùng tham gia. Ưu điểm mô hình này mang lại cho nông dân và doanh nghiệp khá rõ ràng.
Thực tế cho thấy: Cơn bão cuối tháng 3 vừa qua tại Phú Yên và cơn bão số 9 năm 2021 đã gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng đối với người nuôi tôm hùm, cá biển tại Phú Yên, Khánh Hòa, thêm một lần nữa, việc chuyển đổi từ lồng, bè nuôi bằng vật liệu gỗ truyền thống sang vật liệu HDPE để thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững lại được đặt ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!