Gần đây, dư luận cho rằng, phá rừng làm thủy điện, phá rừng để trồng rừng, phá rừng để lấy gỗ cũng là nguyên nhân dẫn đến lũ quét, sạt lở đất ở miền núi. Quảng Nam còn nửa triệu héc ta rừng tự nhiên, địa phương này rất quyết tâm giữ rừng. Tuy nhiên, mật độ thủy điện dày đặc, diện tích trồng keo đã lên gần 200 ngàn héc ta, khiến nhiều người nghi ngại. Ông Lê Minh Hưng – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam thì cho rằng, ngay cả những cánh rừng nguyên sinh cũng bị sạt lở thì khó có thể khẳng định, sạt lở là do mất rừng.
Đợt lũ vừa qua không chỉ là lũ bùn, lũ đá mà còn lũ gỗ. Bằng chứng là lòng hồ thủy điện sông Tranh 2, cây rừng trôi về về phủ kín. Gỗ đã theo nước lũ trôi ra đến tận cửa biển. Theo thông tin từ viện vật lý địa cầu, thời gian qua, liên tiếp xảy ra nhiều trận động đất mà tâm chấn là khu vực thủy điện sông Tranh 2 thuộc huyện Bắc Trà My và Nam Trà My. Điều ngẫu nhiên là khu vực thường xảy ra động đất đã bị sạt lở núi quy mô lớn. Vậy có mối quan hệ nào giữa động đất và sạt lở đất tại Quảng Nam?
Bằng trực quan có thể thấy, việc xẻ núi mở đường, cắt đứt chân ta luy có thể làm gia tăng sạt lở trên các tuyến đường ở miền núi. Các công trình xây dựng, trong đó có thủy điện đã tác động trực tiếp đến dòng chảy tự nhiên. Những cánh rừng già vốn được xem là thành lũy bảo vệ làng cũng đã biến mất, nhường chỗ cho những rừng keo. Xác định nguyên nhân sạt lở cần có nghiên cứu chuyên sâu. Tuy nhiên, việc con người tác động quá thô bạo vào tự nhiên là cũng là một trong nhiều nguyên nhân khiến lũ lụt, sạt lở đất kinh hoàng đang xảy ra ở miền Trung.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!