TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Xử lý dứt điểm các lối đi tự mở qua đường sắt

Văn Đức, Thành CôngCập nhật 16:49 ngày 11/11/2024

VTV.vn - Tai nạn đường sắt xảy ra tại lối đi tự mở qua đường sắt chiếm đến 55% số vụ tai nạn giao thông đường sắt, thế nhưng đến nay việc khắc phục tình trạng này vẫn còn rất chậm.

Nhằm lập lại trật tự An toàn giao thông đường sắt, ngày 10-3-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 358/QĐ-TTg "Phê duyệt đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt". Mục tiêu của đề án là đến năm 2025 phải xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở qua đường sắt, phấn đấu giảm 5-10% số vụ tai nạn giao thông đường sắt mỗi năm. Tuy nhiên, sau gần 5 năm triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tình hình tai nạn giao thông đường sắt không những không giảm mà còn diễn biến phức tạp. Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do còn tồn tại quá nhiều lối đi tự mở qua đường sắt vẫn chưa được xử lý triệt để.

Mặc dù đã rất nỗ lực trong việc phối hợp cùng với chính quyền các địa phương trên địa bàn, song nhiều năm qua Công ty cổ phần đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng chỉ mới xóa được 1/9 lối đi tự mở qua địa bàn TP Đà Nẵng. Sự ì ạch, chậm trễ này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, song có thể nhận thấy sự thiếu đầu tư hạ tầng an toàn tại các đường ngang dân sinh qua đường sắt vẫn chưa được hoàn thiện.

Tính chung trên phạm vi cả nước, 4 năm triển khai Quyết định 358, mới chỉ xóa được hơn 500 lối đi tự mở qua đường sắt, hiện tại còn đến hơn 3100 lối đi tự mở qua đường sắt vẫn còn tồn tại dọc tuyến đường sắt Bắc - Nam. Như vậy, lộ trình đóng hẳn các lối đi tự mở theo tinh thần Quyết định 358 của Thủ tướng chính phủ xem ra khó khả thi, nếu từ nay đến hết năm 2025 các ngành, địa phương vẫn chưa quyết liệt các giải pháp đột phá.

Trước tình trạng tai nạn giao thông đường sắt ngày càng diễn biến phức tạp, Quyết định 358 của Thủ tướng chính phủ năm 2020 liên tục được nhắc đến. Song song các giải pháp công trình được đề xuất, đang cần sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, chính quyền địa phương và đặc biệt là ý thức tuân thủ pháp luật của người dân trong việc chung tay giữ gìn hành lang an toàn giao thông đường sắt.

Theo số liệu thống kê của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, tính trung bình trong 3 năm gần đây, mỗi năm xảy ra khoảng 190 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm 82 người chết, 120 người bị thương, làm hư hỏng gần 90 ôtô, xe máy các loại. Xác định, xóa lối đi tự mở là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, tốn kém, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp và quyền lợi của người dân nên việc phối hợp nhịp nhàng giữa các bên liên quan là yếu tố quan trọng đặt lên hàng đầu. Ví dụ tại tuyến đường sắt đi qua địa phận Quảng Nam - Đà Nẵng, sau nhiều năm nỗ lực phối hợp giữa các bên: Ngành đường sắt, chính quyền các địa phương và lực lượng cảnh sát giao thông đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ đảm bảo trật tự an toàn hành lang đường sắt trên địa bàn. Theo đó, từ đầu năm đến nay thông qua sự phối hợp hiệu quả này, ngành đường sắt và các bên liên quan đã thực hiện đóng chắn 9 lối đi tự mở qua đường sắt.

Trong lúc chưa thể thực hiện xóa hoàn toàn các lối đi tự mở đến năm 2025 theo tinh thần Nghị quyết 358 của Thủ tướng Chính phủ, các chuyên gi cho rằng, trước mắt cần sớm áp dụng các biện pháp cảnh giới chốt gác hoặc thu nhỏ chiều rộng lối đi, lắp đặt thiết bị đèn cảnh báo giao thông, xây dựng gờ giảm tốc để cảnh báo cho người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ qua lối đi tự mở. Đặc biệt là tăng cường, nâng cao nhận thức, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm hành lang an oàn giao thông đường sắt.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Chống thất thu tài nguyên khoáng sản

VTV.vn- Sau một thời gian quản lý lỏng lẻo, hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước đã tăng cường công tác giám sát khai thác khoáng sản nhằm tránh thất thoát tài sản của quốc gia.