Nằm giáp ranh với tỉnh Đăk Nông, huyện Đam Rông (Lâm Đồng) thành lập được 13 năm. Khi thành lập, địa phương này có 30 ngàn dân nhưng hiện tại đã lên hơn 50 ngàn dân. Điều này cho thấy, ngoài sự gia tăng dân số tự nhiên còn có sự di dân lớn. Đa phần các hộ dân di cư là đồng bào dân tộc thiểu số như H’Mông, Dao có hoàn cảnh rất khó khăn, thiếu đất sản xuất.
Những cánh rừng giáp ranh là nơi dân di cư tự do lựa chọn, dựng trại sinh sống. Tại đây, việc phá rừng lấy đất sản xuất thường xuyên xảy ra. Vì vậy, việc bố trí tái định canh, định cư cho người di cư được thực hiện. Đến thời điểm này, tỉnh Lâm Đồng quy hoạch 3 điểm định canh, định cư cho hơn 300 hộ. Thế nhưng, do nguồn vốn đầu tư hạn chế, nên cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh khu vực tái định cư còn nhiều hạn chế.
Rà soát của huyện Đam Rông, hiện vẫn còn 300 hộ với hơn 1500 nhân khẩu sống len lỏi ven các cánh rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ. Nhưng khi phát hiện rừng bị xâm hại, việc xử lý gặp nhiều khó khăn, do dân di cư không có hộ khẩu, không nơi cư trú.
Trước mắt, để rừng không bị xâm hại, cùng với tuyên truyền, huyện Đam Rông đã thành lập các trạm quản lý bảo vệ rừng ở những nơi có dân di cư tự do.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!