Lâu nay, để ươm cây giống, các cơ sở sản xuất thường sử dụng vỏ bầu bằng ni lon và ruột bầu là đất. Khi trồng cây vỏ nilon thải ra sẽ gây ô nhiễm nếu không được xử lý tốt. Nay Liên Minh hợp tác xã Thừa Thiên Huế đã nghiên cứu và đầu tư sản xuất ra vỏ bầu tự hủy, ruột bầu bằng bằng nguyên liệu phụ phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng cây trồng và thân thiện môi trường, đáp ứng được tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững của thế giới.
Theo đó Hợp tác xã đã được đầu tư thiết bị cơ giới để tạo túi bầu bằng giấy, tự tiêu hủy và ruột bầu với nguyên liệu 100% chất hữu cơ từ phế thải như: mùn cưa, dăm gỗ, vỏ trấu, vỏ đậu, sơ dừa... Với 3 ha rừng, sau một thời gian được trồng thử nghiệm cây giống keo từ bầu ươm hưu cơ, với tỷ lệ sống gần 100%. Bình quân mỗi năm tỉnh Thừa Thiên Huế trồng mới và trồng lại khoảng 6.000 ha rừng, cần đến 18 triệu cây giống, đồng nghĩa với việc cần 18 triệu túi PE để ươm cây và số túi này thải ra là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Do đó việc sử dụng túi bầu bằng giấy tự hủy có ý nghĩa quan trọng.
Thừa Thiên Huế hiện có 150 cơ sở gieo ươm cây lâm nghiệp theo phương pháp truyền thống và đang chuyển hướng dần sang gieo ươm cây con bằng phương pháp thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, địa phương cũng phấn đấu đến năm 2020 phát triển được 13.000 ha rừng trồng gỗ lớn, trong đó 5.200 ha rừng được cấp chứng chỉ rừng FSC sử dụng giống lâm nghiệp thân thiện với môi trường, đáp ứng các yêu cầu quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn thế giới và ươm cây bằng bầu hữu cơ là một trong những yêu cầu quan trọng .
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!