Sạt lở đã lấn sâu vào đường giao thông, nhiều con đê, trụ sở của các cơ quan nhà nước, đất sản xuất và nhà của người dân và mất an toàn cho nhà dân cũng như người tham gia giao thông trên khu vực gần núi đá, đất... Mùa mưa bão đang tới, nỗi lo sạt lở luôn thường trực. Đặc biệt là các địa phương như Quảng Bình và Quảng Trị.
Hiện trong vòng 10 năm, từ 2010 đến 2020, Quảng Trị đã có khoảng 350ha đất bị cuốn trôi xuống các dòng sông, hơn 4500 hộ dân bị ảnh hưởng. Khu vực bờ biển cũng rất nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sản xuất của người dân. Đối với sạt lở núi, huyện Hướng Hóa là địa phương có các điểm sạt lở nhiều nhất tỉnh Quảng Trị, Hiện nay, có gần 50 điểm sạt lở, ảnh hưởng hơn 3500 nhân khẩu. Những năm qua, bằng nhiều nguồn lực, tỉnh Quảng Trị đã xây dựng hàng chục km kè chống sói lở bờ sông, bờ biển, nhiều khu tái định cư. Tuy nhiên, Quảng Trị còn quá nhiều điểm sạt lở núi, bờ sông, bờ biển, làm cho người dân rất bất an trước mùa mưa bão năm nay.
Mặc dù nhà nước đã đầu tư nhiều công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, sạt lở núi cho Quảng Bình và Quảng Trị. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, dẫn đến tình hình sạt lở diễn ra nghiêm trọng và khó lường.
Cứ vào mùa mưa bão, trên các tuyến sông ở Quảng Bình và Quảng Trị, các khu vực ven suối, dưới các vách núi, hàng ngàn hộ dân đã phải di dời khẩn cấp mỗi khi có lũ lụt xảy ra, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, hiểm trở. Một giải pháp bền vững cho vấn đề sạt lở bờ sông, bờ biển cũng như sạt lở núi ở khu vực Bắc miền Trung, rất cần các bộ ngành trung ương xem xét, tìm ra giải pháp tối ưu nhất, để giúp những người dân sống ven các con sông, ven biển, ven các sườn núi, yên tâm, không lo sợ mất nhà, mất đất, mỗi mùa mưa bão tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!