Tại huyện miền núi Vĩnh Thạnh, Bình Định, 12,8% dân số toàn huyện là thanh niên người dân tộc Bana. Nhằm đoàn kết tập hợp thanh niên và góp phần gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc, ý tưởng thành lập các câu lạc bộ thanh niên cồng chiêng Bana đã được triển khai. Từ mô hình thí điểm, đến nay, tại 5 xã của huyện Vĩnh Thạnh, mỗi xã đều có một câu lạc bộ thanh niên cồng chiêng.
Để duy trì tính bền vững của các câu lạc bộ, những lớp dạy cồng chiêng do những nghệ nhân trong làng chỉ dạy như thế này đã được mở thường xuyên. Bên cạnh đó, đoàn thanh niên phối hợp với trung tâm văn hóa huyện và các già làng sưu tầm những bài chiêng cổ để hướng dẫn lại cho các bạn trẻ.
Khó khăn hiện nay là số bộ cồng chiêng còn lại ở làng rất ít. Trong số 83 bộ cồng chiêng, toàn huyện chỉ có khoảng 30-35% bộ còn dùng được, số còn lại đều bị hư hỏng. Thực tế này cũng làm ảnh hưởng đến việc nhân rộng mô hình.
Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân Tây Nguyên, như một phần không thể thiếu trong suốt vòng đời mỗi con người và trong hầu như tất cả sự kiện quan trọng của cộng đồng. Không gian văn hóa cồng chiêng lại bao gồm các bộ phận như: cồng chiêng, các bản nhạc tấu bằng cồng chiêng, những người chơi cồng chiêng, các lễ hội sử dụng cồng chiêng và cả những địa điểm tổ chức các lễ hội đó… Vì thế cách làm huy động lực lượng đoàn viên thanh niên là người đồng bào dân tộc thiểu số cùng chung sức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc sẽ góp phần tăng tính bền vững trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc.