45 năm trước (27/1/1973), Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Đây là thắng lợi lịch sử của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là thắng lợi của lực lượng tiến bộ đấu tranh vì hòa bình và công lý trên toàn thế giới. Sự kiện lịch sử mang dấu ấn trọng đại này còn mang một thông điệp về tình đoàn kết giữa các dân tộc, về chủ nghĩa nhân văn sâu sắc, về khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam và các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
Chương trình giao lưu nghệ thuật "Khúc ca hòa bình" do VTV8, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị, Quỹ Vì hòa bình và phát triển Việt Nam tổ chức là những hồi ức về một sự kiện lịch sử đặc biệt của dân tộc Việt Nam diễn ra cách đây tròn 45 năm. Những người thực hiện chương trình mong muốn được thắp lên một ngọn lửa của niềm tri ân sâu sắc, của tình yêu cuộc sống và khát vọng hòa bình bất diệt.
Lấy 2 bối cảnh chính là Tháp chuông Thành cổ; Quảng trường giải phóng, phía trước Nhà hành lễ Bến thả hoa bờ Nam sông Thạch Hãn tỉnh Quảng Trị, chương trình tái hiện một giai đoạn hào hùng, bi tráng của quân và dân Quảng Trị trước khi Hiệp định được ký kết năm 1973. Với sự tham dự của các đại biểu, các vị khách mời đặc biệt cùng hàng ngàn người dân Quảng Trị.
Mở đầu chương trình là những hình ảnh vô cùng đẹp với những cô gái Quảng Trị trong tà áo trắng, tay dắt các em bé cũng mặc váy trắng, thả những cánh chim bồ câu trắng lên nền trời. Giao hoà cùng với hình ảnh ý nghĩa đó là tiếng chuông tháp cổ ngân lên, tiếng đàn violion da diết phối trên nền nhạc của ca khúc bất tử Heal the World. Tất cả như nói lên một khao khát cháy bỏng về hòa bình và hy vọng vào một thế giới tốt đẹp hơn.
Bối cảnh ở Tháp chuông Thành cổ (Quảng Trị)
Liên tiếp trong chương trình là những hồi ức, tái hiện rõ nét một sự kiện lịch sử đặc biệt của dân tộc Việt Nam diễn ra cách đây tròn 45 năm. Đặc biệt, từ chiến trường xưa khốc liệt đạn bom, Quảng Trị, từ mảnh đất máu và hoa Thành cổ Quảng Trị mong muốn được thắp lên một ngọn lửa của niềm tri ân sâu sắc, của tình yêu cuộc sống và khát vọng hòa bình bất diệt. Cùng với đó là những hình ảnh cô đọng nhất về Lễ ký kết hiệp định Paris 1973.
Đặc biệt, trong chương trình này, khán giả sẽ được gặp lại một nhân vật đặc biệt. Nhân vật luôn gây ấn tượng mạnh với báo chí phương Tây, bởi nét dịu dàng, tà áo dài duyên dáng, những lời phát biểu đầy thuyết phục, thông minh và cũng hết sức dí dỏm. Đó chính là bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước; nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, trưởng đoàn Đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng Hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris. Dù tuổi "xưa nay hiếm", nhưng câu chuyện bà chia sẻ vẫn hết sức cô đọng và súc tích về những gì Đoàn đại biểu Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã làm được cách đây 45 năm. Bà cũng không quên tri ân những đóng góp quan trọng của quân và dân Quảng Trị trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, và bày tỏ ước mơ có một ngày được thăm lại đồng bào, chiến sỹ quê hương Quảng Trị, mảnh đất anh hùng và cũng là nơi Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam do bà làm bộ trưởng ngoại giao đặt trụ sở làm việc.
Hình ảnh tổng duyệt Chương trình giao lưu nghệ thuật "Khúc ca hoà bình"
Với Nhà báo Chu Chí Thành, nguyên phóng viên chiến trường mặt trận Quảng Trị của TTXVN, tác giả của bức ảnh nổi tiếng hai người lính, Ông sẽ chia sẻ những gì từ câu chuyện của mình?về bức ảnh lịch sử nhiều ý nghĩa nhân văn đó? Nó không giống như những bức ảnh khác được ông Thành và đồng đội thực hiện trong giai đoạn đó, bức ảnh hai người lính vô tư khoác vai nhau từ hai phía chiến tuyến với nụ cười thân thiện trong khi chỉ cách đó vài cây số vẫn là mưa bom, bão đạn khiến nhiều người ngạc nhiên. Sẽ còn nhiều câu chuyện kể thú vị và đặc biệt mà khán giả có thể chưa bao giờ được biết. Sẽ còn nhiều câu chuyện kể thú vị và đặc biệt mà khán giả có thể chưa bao giờ được biết về ông và các đồng đội của ông.
Tổng duyệt chương trình giao lưu nghệ thuật "Khúc ca hoà bình"
Cũng về câu chuyện của hai người mẹ của những đứa con ở hai đầu chiến tuyến. Hai người mẹ già Việt -Mỹ dù mang những nối đau riêng của chiến tranh song đã vượt qua những khó khăn trở ngại của tuổi tác và khoảng cách địa lý để tìm đến với nhau trong tình cảm ấm áp và sự sẻ chia hết sức chân thành. Thực tế là với rất nhiều người Mỹ trong đó có cả cựu chiến binh từng tham chiến ở Việt Nam và thân nhân của họ, Quảng Trị là điểm đến của hòa hợp, hòa giải và đoàn kết quốc tế. Nó sẽ được kể lại bởi một cựu binh người Mỹ, ông Chuck Searc. Ông từng từng tham chiến ở Việt Nam. Quay trở lại mảnh đất máu lửa Quảng Trị sau khi chiến tranh, ông nói rằng ông và rất nhiều cựu chiến binh Mỹ khác trở lại Việt Nam, trở lại Quảng Trị chính là để kết thúc cuộc chiến tranh trong tâm tưởng, để hàn gắn những nỗi đau hữu hình và vô hình suốt mấy chục năm qua. Bài học từ Việt Nam, từ Quảng Trị sẽ đúng cho toàn thế giới, đó là khi chúng ta gần gũi nhau hơn thì tình yêu thương, tình hữu nghị sẽ nở hoa...
Và còn nhiều câu chuyện khác được kể trong chương trình giao lưu đặc biệt này...
Chương rình giao lưu nghệ thuật "Khúc ca hoà bình"
Thắng lợi của Hiệp định Paris năm 1973 là thắng lợi của chính nghĩa, của tình đoàn kết giữa các dân tộc vì hòa bình, tiến bộ trên toàn thế giới…Đối với dân tộc Việt Nam, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình đã đáp ứng được nguyện vọng chung vô cùng thiết tha, cháy bỏng của nhân dân hai miền. Chính trên khu vực đôi bờ sông Thạch Hãn, nơi sẽ là sân khấu chính của chương trình Giao lưu nghệ thuật "Khúc ca hoà bình" ngay sau khi Hiệp định Paris năm 1973 có hiệu lực, sẽ diễn ra những hình ảnh hết sức xúc động về tình cảm dân tộc, về sự hòa hợp giữa hai miền Bắc- Nam.
Chương trình giao lưu nghệ thuật "Khúc ca hoà bình" sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV8 và Đài PT-TH Quảng Trị, tiếp sóng trên một số đài PT-TH khác trong cả nước lúc 20h15, thứ sáu (26/1). Mời quý vị đón xem.