TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Đà Nẵng đón làn sóng công nghệ cao

Hoài Thu, Văn PhátCập nhật 15:00 ngày 14/11/2024

VTV.vn - Việc Đà Nẵng lựa chọn phát triển công nghệ cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn là một hướng đi tất yếu nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững cho thành phố năng động này.

Đà Nẵng vốn nổi tiếng là thành phố du lịch, nhưng trong những năm gần đây Đà Nẵng đã và đang đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có hàm lượng tri thức cao. Trong bối cảnh Đà Nẵng sắp hết nguồn quỹ đất cho phát triển thì việc lựa chọn phát triển công nghệ cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn là một hướng đi tất yếu nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững cho thành phố.

Thời điểm Đà Nẵng công bố Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng là thời điểm Việt Nam được chọn là điểm đến của ngành công nghiệp bán dẫn. Trong 3 trung tâm Công nghệ Thông tin của cả nước thì Đà Nẵng có lợi thế riêng của mình: nơi đây có tỷ lệ trường đại học/dân số cao nhất cả nước, các Công ty Intel, Synopsys và nhiều công ty công nghệ thông tin, bán dẫn lớn trên thế giới đã ở Đà Nẵng. Và vì vậy, thành phố này có cơ hội là điểm đến mới của ngành công nghiệp bán dẫn thế giới.

Theo định hướng của Trung ương, UBND TP Đà Nẵng đang nhanh chóng xây dựng 3 nghị quyết trình Hội đồng Nhân dân Thành phố xem xét, và kịp thời áp dụng vào đầu năm 2025. Đây sẽ là pháp lý quan trọng, thể hiện sự cam kết, quyết tâm chính trị mạnh mẽ của TP trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trên địa bàn.

Với cú hích là Nghị quyết 136 về chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, trong đó có các chính sách ưu đãi vượt trội về vi mạch bán dẫn thì giai đoạn tới đây Đà Nẵng sẽ có sự bức phá, phấn đấu trở thành một trong ba trung tâm vi mạch bán dẫn lớn của Việt Nam, hình thành mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch bán dẫn gắn với phát triển đồng bộ hệ sinh thái vi mạch bán dẫn.

Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có khoảng 10 doanh nghiệp thiết kế vi mạch với khoảng 600 kỹ sư. So với tương quan tổng thể nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn của Việt Nam, nguồn nhân lực thiết kế vi mạch của Đà Nẵng chiếm gần 10%. Nhưng với làn sóng đầu tư và nhu cầu thực tế 5000 nhân lực, Đà Nẵng đang phải nhanh chóng hành động quyết liệt, tăng tốc đào tạo, phát huy nhân tố con người để tiếp thêm xung lực cho lĩnh vực vi mạch, bán dẫn.

Tháng 3/2024, chương trình đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn tại Thành phố Đà Nẵng đã đươc khởi động bởi Trung tâm nghiên cứu đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) với Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Tập đoàn Synopsys và Viện Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây là khóa đào tạo giảng viên thiết kế vi mạch đầu tiên của thành phố. Sau đó, UBND Thành phố thành lập liên minh các trường đại học đào tạo vi mạch bán dẫn kết hợp trí tuệ nhân tạo gồm Trường ĐH FPT, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Trường ĐH Bách Khoa, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật và Trường ĐH Duy Tân.

Để nắm bắt cơ hội trở thành điểm đến mới của công nghiệp vi mạch bán dẫn không gì khác hơn là Đà Nẵng phải thỏa mãn nhu cầu nhân lực chất lượng cao của các nhà đầu tư. Có như vậy, mục tiêu phát triển bền vững dựa vào khoa học công nghệ mới có thể trở thành hiện thực.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Xây dựng vùng trồng hướng đến tiêu thụ sản phẩm

VTV.vn- Việc đăng ký mã số vùng trồng đang dần được nông dân quan tâm, bởi sản phẩm có mã vùng trồng không chỉ gia tăng giá trị cho sản phẩm mà còn tiêu thụ dễ dàng hơn.