TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Đà Nẵng với bài toán giãn dân và phát triển đô thị

Thanh Nga (VTV8)Cập nhật 09:21 ngày 11/06/2018

VTV.vn - Sau gần 20 năm Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Thành phố này đã nổi lên như một điển hình kiểu mẫu về phát triển đô thị trên cả nước.

Từ một đô thị nhỏ bé, không gian đô thị chỉ gói gọn trong phạm vi các quận Hải Châu, Thanh Khê và một phần các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, tương ứng với diện tích khoảng 5.600 ha, đến nay, quy mô, không gian đô thị Đà Nẵng đã mở rộng lên tới gần 20.000 ha, tức gấp hơn 3 lần so với đô thị cũ. Dân số cũng tăng lên đáng kể, từ hơn nửa triệu dân thì nay cũng đã gấp 3 lần. 

Những con số này cho thấy Đà Nẵng mở rộng không gian đô thị đã được tính toán, song việc tổ chức, phân bố dân cư và điều chỉnh quy hoạch sẽ không bao giờ có điểm dừng. Một thành phố trẻ, năng động nếu không có những đích đến xa hơn thì dễ bị lạc hậu và không theo kịp xu thế phát triển.

Theo đề án phân bổ dân cư của Đà Nẵng giai đoạn 2013 - 2020, việc phân bổ dân cư cho các phường, xã sẽ được tiến hành dựa trên 6 căn cứ. Trong đó, 6 tiêu chí làm căn cứ trực tiếp đánh giá việc phân bổ dân cư gồm dân số trung bình, mật độ dân số, tỉ lệ tăng dân số tự nhiên, tỉ lệ tăng dân số cơ học, mật độ dân số trên diện tích đất ở, diện tích đất ở bình quân đầu người. Thứ hai là dự báo dân số năm 2020 theo phương pháp hồi quy. Thứ ba, diện tích đất ở các phường, xã. Và thứ tư, định mức diện tích đất ở độ thị 17m2/người. Theo kết quả dự báo dân số cho các mốc 2012, 2015, 2020 và căn cứ định mức diện tích đất ở 17m2/người thì phần lớn các phường nội thành của Đà Nẵng gần như không đạt định mức đô thị. Do vậy, việc phân bổ lại dân cư, cũng như đón đầu giãn dân tại các khu đô thị mới là việc làm tất yếu của thành phố này.

Giãn dân nội đô là một yêu cầu bức thiết, thế nhưng, quan trọng hơn là quá trình kiểm soát phát triển đô thị đòi hỏi Đà Nẵng cần phải có những chiến lược thích hợp với từng giai đoạn. Ví như câu chuyện về quỹ đất của Đà Nẵng. Như đã nói, dân số Đà Nẵng tăng gấp 3 lần sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Quá tải dân cư dẫn tới hệ quả là chất lượng sống bị suy giảm, cản trở sự phát triển. Do vậy, 1 điều tất yếu là không gian đô thị cần phải mở rộng, nhưng mở rộng ở đâu, mở rộng thế nào và làm sao để tạo động lực phát triển mới, đó là những vấn đề đòi hỏi sự tính toán và quy hoạch kỹ lưỡng. 

Trước áp lực giãn dân nội thành, vùng Tây Bắc và phía Nam được Đà Nẵng lựa chọn là 2 khu vực để mở rộng đô thị, giãn dân, bởi đây là những nơi còn quỹ đất nhiều, tiềm năng phát triển lớn. Nhất là trục Tây Bắc -  nơi đang được triển khai những dự án như cảng biển, nhà ga, bến xe, khu đô thị công nghệ cao với hy vọng khi đi vào hoạt động sẽ góp phần thu hút lao động, dân cư về vùng đất mới. Để thực hiện điều đó, chính quyền TP Đà Nẵng đã tập trung vào hạ tầng giao thông. Đường Nguyễn Tất Thành nối dài được xem là tuyến giao thông chiến lược để kết nối khu đô thị mới với các tuyến giao thông trọng điểm, rút ngắn quãng đường vào trung tâm xuống chỉ còn 11 km. Đây là một trong rất nhiều giải pháp đón đầu giãn dân của Đà Nẵng.

Lựa chọn những giải pháp thông minh, tích hợp một cách hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, đã tạo một môi trường sống tốt cho người dân. Đây cũng là tôn chỉ mục tiêu của quy hoạch đô thị Đà Nẵng. 

Những quy hoạch này đã thể hiện tầm nhìn phát triển không gian sống cho hiện tại và tương lai. Và việc quy hoạch, biết phát huy đầy đủ mọi lợi thế, tạo nên một cấu trúc phát triển hài hoà là hết sức quan trọng. Cái còn lại là Đà Nẵng cần có chiến lược thích hợp cho từng giai đoạn, vừa mang tính đột phá, tạo sức bật cho thành phố, nhưng cũng cẩn trọng trong khai thác tài nguyên để tạo nguồn dự trữ cho tương lai.