TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Đông Nam Á khủng hoảng trước sức ép của biến thể Delta

VTV8Cập nhật 21:01 ngày 10/07/2021

VTV.vn - Biến thể Delta đã càn quét toàn châu Á trong tuần qua, đẩy số ca bệnh tăng kỷ lục và khiến nhiều nước rơi vào khủng hoảng y tế do biến thể này gây ra.

Ngoài việc áp dụng các biện pháp hạn chế khẩn cấp, các nước Đông Nam Á không có nhiều "vũ khí" mạnh để đối phó với biến thể Delta.

Indonesia, nước đông dân nhất và bị tác động nhiều nhất, đã ghi nhận 38.124 ca nhiễm mới ngày 9/7, cao gấp 6 lần so với một tháng trước đó. Số ca tử vong theo ngày cũng tăng gấp đôi trong vòng một tuần kể từ đầu tháng 7. Các bệnh viện ở đảo đông dân nhất Java sắp quá tải, nguồn cung khí ôxy đang ngày càng cạn kiệt, 4 trong 5 địa điểm chôn cất người tử vong ở thủ đô Jakarta đã kín chỗ.

Malaysia ghi nhận 9.180 ca mắc COVID-19 mới trong ngày 9/7, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này.

Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines thông báo nước này có thêm 5.881 ca nhiễm mới, nâng tổng số người mắc bệnh lên gần 1,5 triệu ca.

Giới chuyên gia y tế cho biết tỷ lệ đi xét nghiệm thấp ở các nước đông dân như Indonesia và Philippines có thể là nguyên nhân không xác định được mức độ của các ổ dịch.

Các biện pháp phong tỏa, truy vết và giãn cách xã hội đã từng giúp Đông Nam Á vượt qua những đợt bùng dịch trước đây. Nhưng hiện tại, vắc xin mới là phương án khả dĩ nhất để đối phó với biến thể có khả năng lây lan mạnh như Delta. Song đây cũng là vấn đề lớn nhất khi nhiều nước trong khu vực có tỉ lệ tiêm ngừa thấp hoặc rất thấp, và phụ thuộc vào nguồn cung ít ỏi từ nước ngoài.

Thái Lan cuối tuần vừa qua thông báo sẽ đẩy mạnh tiêm chủng cho những người dễ bị tổn thương với mục tiêu tiêm cho 50% người già và người có bệnh nền vào cuối tháng 7-2021. Nhưng Bangkok đến nay vẫn không thể đặt mua vắc xin của Pfizer/BioNTech, Moderna, trong khi hợp đồng mua 10 triệu liều mỗi tháng của AstraZeneca bị rút xuống còn khoảng 5 triệu liều/tháng.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hối thúc các nước nhanh chóng tiêm ngừa cho ít nhất 10% dân số, nhất là các nhóm dễ tổn thương và những người thuộc tuyến đầu chống dịch. Ông cũng kêu gọi các nhà sản xuất vắc xin như Pfizer, Moderna chia sẻ công nghệ để đẩy nhanh sản xuất vắc-xin ngừa COVID-19.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao hiệu quả thực thi hiệp định CPTPP

VTV.vn- Để nâng cao hiệu quả thực thi CPTPP, Việt Nam cần đào tạo đội ngũ chuyên gia, nguồn nhân lực chất lượng cao một cách bài bản, kịp thời đáp ứng nhu cầu của đất nước