Thời điểm này, thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh trên cả nước đã sẵn sàng cho năm học mới. Tại địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, từ làng đến trường xã phải đi bộ mất nhiều giờ đồng hồ. Vì vậy lâu nay, các em học cấp 1 thường học ghép tại điểm trường làng nên không đảm bảo chất lượng. Trước khó khăn đó, một số địa phương miền núi Quảng Nam mạnh dạn đưa học sinh lớp 1 từ làng về trung tâm xã học bán trú. Dù ban đầu gặp khó khăn nhưng sau thời gian thực hiện, mô hình này đã mang lại những kết quả tích cực.
Để đảm bảo 100% số trẻ đến trường, hơn một tháng qua, các thầy cô giáo trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Trà Nam, huyện Nam Trà My, Quảng Nam đã đến từng nhà vận động, giải thích để cha mẹ đồng ý cho con xuống trường xã bán trú. Nếu không kiên trì vận động thì bà con sẽ không hợp tác, kế hoạch đưa học sinh về trung tâm xã khó mà thành công. Trước ngày khai giảng, thầy cô giáo tập hợp phụ huynh và học sinh lại để phân công nhiệm vụ. Theo đó, tuần đầu tiên, mỗi làng cử 4 phụ huynh xuống trường phụ giúp thầy cô chăm sóc các em. Khi các em quen dần, mỗi làng chỉ còn 2 người phụ giúp một tuần. Nhà trường có trách nhiệm lo việc ăn ở của phụ huynh.
Nhiều em lần đầu tiên về trung tâm xã, trường mới, cô mới, bạn mới nên không khỏi bỡ ngỡ. Những ngày này, phụ huynh từ làng xa xôi theo con về trường làm bảo mẫu giúp nhà trường. Công việc hằng hằng ngày là hỗ trợ chế biến thức ăn, dọn vệ sinh, chăm sóc các em nhỏ. Chẳng mấy chốc, các em đã làm quen với trường mới, bạn mới và sẽ học ở đây cho đến hết lớp 9. Trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học Cơ sở Trà Nam có 342 học sinh, trong đó 45 em lớp 1.
Việc đưa trẻ em lớp 1 từ những ngôi làng xa xôi về trung tâm xã học bán trú không phải là chuyện dễ. Vậy là các thầy cô giáo vừa đảm nhiệm việc dạy chữ kiêm luôn trọng trách làm cha mẹ các em. Nhờ có cách làm sáng tạo, phụ huynh thay phiên làm bảo mẫu, đảm bảo việc ăn, ở, vui chơi nên hầu như không có em nào bỏ học giữa chừng. Trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học Cơ sở Trà Nam đạt chuẩn mức độ 2, tỷ lệ học sinh khá giỏi đạt 43%. Đây được xem là mô hình sáng tạo cần nhân rộng để nâng cao chất lượng dạy và học tại địa bàn vùng đặc biệt khó khăn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!