Giao đất lâm nghiệp cho người dân sử dụng, bảo vệ và phát triển rừng là chủ trương đúng đắn của các địa phương nhằm hướng tới xóa đói giảm nghèo cho người dân miền núi. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, chủ trương quyết định đã ban hành nhưng thực tế có nơi, người dân vẫn mòn mỏi chờ nhận đất lâm nghiệp.
Đến nay đã gần 10 năm kể từ ngày Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên có quyết định thu hồi hơn 30 ngàn ha đất lâm nghiệp của các Ban Quản lý rừng phòng hộ để giao cho người dân nhưng thực tế đã qua 2 chu kỳ trồng rừng có nhiều địa phương, người dân vẫn chưa nhận được đất để trồng và bảo vệ rừng. Thiếu đất canh tác đã khiến cuộc sống của họ lâm vào cảnh khó khăn chồng chất…
Theo tính toán của nhiều hộ trồng rừng. 1 ha rừng trồng trong 5 năm, sau khi trừ chi phí sẽ thu về từ 30 triệu - 50 triệu đồng. Như vậy, ở đây chỉ cần làm bài toán đơn giản: trong hơn 28.500 ha đất rừng trong gần 10 năm chưa giao được cho dân theo quyết định của tỉnh thì cũng đồng nghĩa, người dân mất 2 chu kỳ trồng rừng. Và một câu hỏi cũng đặt ra là trong gần 10 năm, với những diện tích đáng lẽ người dân đã được nhận nhưng chưa đến được tay dân thì những diện tích này được quản lý như thế nào, ai sử dụng?
Chủ trương giao đất rừng cho người dân trồng rừng của UBND tỉnh Phú Yên là chủ trương đúng, phù hợp với lòng dân nhưng khi đơn vị có chức năng thực thi lại ì ạch, thậm chí, bị một số cán bộ lợi dụng chủ trương để tư lợi cá nhân đã khiến người dân mất lòng tin. Cho đến lúc này, hàng ngàn hộ dân trong diện được cấp đất để trồng rừng tại các huyện miền núi Phú Yên vẫn tiếp tục chờ câu trả lời đến lúc nào sẽ được nhận đất để trồng rừng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!