TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Gấp rút nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò

Đỗ Vinh, Hữu ThịnhCập nhật 20:41 ngày 08/11/2021

VTV.vn - Tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đã và đang phối hợp, tham vấn để cùng nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò, dự án trọng điểm liên kết vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Sông Cổ Cò, đoạn đi qua phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, đã bị bồi lấp hoàn toàn, nước tù đọng, ô nhiễm kéo dài, nông dân gặp khó khăn khi nuôi trồng thủy sản và cả sản xuất nông nghiệp.

Hiện tại, đoạn tuyến sông Cổ Cò đoạn đi qua thành phố Đà Nẵng với chiều dài gần 10 km đã nạo vét gần xong và tỉnh Quảng Nam cũng đang gấp rút khơi thông gần 20 km sông còn lại.

Khi sông Cổ Cò được khơi thông, tuyến đường thủy dài 30 cây số sẽ không còn ô nhiễm như lâu nay. Nhiều người dân địa phương bày tỏ vui mừng khi tỉnh Quảng Nam đang triển khai dự án nạo vét dòng sông này với nguồn kinh phí lên đến hơn 1500 tỷ đồng.

Giữa năm ngoái, tỉnh Quảng Nam đã khởi động dự án và tiến hành nạo vét đoạn qua thành phố Hội An và hiện đang đẩy nhanh tiến độ nạo vét đoạn thị xã Điện Bàn. Địa phương đã đền bù cho hơn 600 hộ dân ven sông với số tiền lên đến hơn 100 tỷ đồng. Khó khăn hiện nay vẫn là thiếu mặt bằng để chứa bùn, cát sau khi nạo vét. Ngoài ra, phương án sử dụng hơn 1,4 triệu mét khối cát sau nạo vét cũng đang được tính đến.

Theo quy hoạch chung, vùng ven sông sẽ là các đô thị vệ tinh, kết nối đô thị cổ Hội An, thị xã Điện Bàn của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Dự án nạo vét sông Cổ Cò là dự án liên vùng mang tính chất động lực, thúc đẩy phát triển vùng.

Khơi thông sông Cổ Cò không chỉ có ý nghĩa về kinh tế, lịch sử mà còn về văn hóa. Vì vậy, tỉnh Quảng Nam nhiều lần bàn thảo với thành phố Đà Nẵng để đẩy nhanh tiến độ, cũng như đầu tư phát triển các công trình 2 bên sông.

Dự kiến đến cuối năm 2023, dự án nạo vét, khơi thông gần 30km sông Cổ Cò sẽ hoàn tất. Người dân sống ven con sông mang nhiều dấu ấn lịch sử này thì đang hi vọng những ngôi làng truyền thống sẽ được bảo tồn, hệ sinh thái, đa dạng sinh học được bảo vệ, nhất là động vật đặc hữu sống ven sông, triển khai các dự án chống xâm nhập mặn, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!