Cuối năm vừa rồi, một niềm vui lớn đến với người dân miền Trung khi nghệ thuật bài chòi được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cùng với tự hào, nhiều người có thêm niềm tin về sức sống mãnh liệt của bài chòi. Có thể thấy sức sống ấy ở những vùng quê, trong nhiều gia đình. Ở làng biển Long Thủy, xã An Phú, thành phố Tuy Hòa (Phú Yên), có một gia đình Làng biển Long Thủy, xã An Phú, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên có một gia đình mà cả 8 thành viên cùng một niềm đam mê những lời ca chân chất, gần gũi mà sâu lắng như tâm hồn của con người trên vùng đất miền Trung - đó là gia đình của bà Hứa Thị Gửi.
Bà Gửi đến với bài chòi như một duyên phận. Và rồi bây giờ, bài chòi đã là phần máu thịt trong con người bà. Niềm đam mê bài chòi trong bà Gửi cứ thế mà truyền sang mọi người trong gia đình này. Người chồng cũng mê bài chòi như vợ. Và 6 cô con gái lớn lên cũng nặng lòng với bài chòi như mẹ. Năm nay con gái của bà Gửi đã 27 tuổi, con gái nhỏ nhất 11 tuổi. Lớn hay nhỏ, còn đi học hay bận đi làm thì cũng chẳng bao giờ rời xa bài chòi. Mỗi thành viên trong gia đình một cuốn vở học sinh. Những trang vở kín những dòng chữ mà bà Gửi đã bỏ công để ghi lại những câu bài chòi từ ngày xưa truyền lại.
Người trong làng vẫn gọi gia đình bà Gửi là gia đình bài chòi. Mọi người đã quen với tiếng đàn, với những câu thai vang lên từ ngôi nhà này. Mọi người cũng quen với chuyện cứ chiều xuống, đêm về là cả nhà bà Gửi lại đến nơi nào đó để biểu diễn bài chòi.
Bài chòi không thể mất. Những gia đình bài chòi như gia đình bà Gửi luôn có niềm tin như thế. Và niềm tin ấy được bà gởi đến người gần người xa bằng những lời ca bài chòi như là tiếng lòng của những người con trên vùng đất sản sinh ra bài chòi.