Zhang Weina, đứa con gái duy nhất của bà Wu Rui, đã qua đời ở tuổi 12 sau nhiều năm vật lộn với bệnh động kinh. Việc mất đi đứa con duy nhất là cơn ác mộng đối với gia đình bà Wu. Bà Wu giờ đây đã mất đi niềm tin vào tương lai khi không còn ai hỗ trợ bà lúc tuổi già.
Bà Wu Rui nói: "Tôi không hiểu sẽ đối mặt với những năm tháng tuổi già của mình thế nào. Tôi không chắc liệu tôi có đủ tiền để tự lo liệu cho mình không. Tôi nghĩ là tôi sẽ phải chấp nhận nó thôi".
Vào những năm 70 của thế kỷ XX, Trung Quốc đã áp dụng chính sách một con nhằm mục đích kiểm soát gia tăng dân số. Sau đó, chính sách này được coi là một trong những chiến lược khuyến khích phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực. Theo truyền thống và văn hóa của Trung Quốc, khi trưởng thành, con cái có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ. Tuy nhiên, sau 3 thập niên triển khai chính sách một con, ước tính đã có 1 triệu gia đình mất đi đứa con duy nhất của mình vì nhiều lý do khác nhau.
Nhiều chính sách hỗ trợ các cặp vợ chồng không con đã được đưa ra, nhưng sự hỗ trợ này vẫn còn hạn chế và được cho là không đủ để bù đắp những mất mát của các gia đình khi mất đi đứa con duy nhất của mình. Thiếu người chăm sóc, nhiều người hiện đang phải tìm đến những lựa chọn phi truyền thống, một trong số đó là các nhà dưỡng lão.
Ông Gu Baochang, Giáo sư Nhân khẩu học, Đại học Renmin, Trung Quốc, nhận định: "Càng kéo dài chính sách một con, nỗi đau, chi phí sẽ càng lớn và số lượng gia đình mất đi đứa con duy nhất của họ càng nhiều".
Trước tình trạng này, Bắc Kinh đã quyết định, từ ngày 1/1/2016, mỗi cặp vợ chồng sẽ được phép có hai con. Tuy nhiên, năm 2017, số lượng nam giới tại nước này vẫn nhiều hơn nữ giới tới 33 triệu người. Trong khi đó, số trẻ em được sinh ra chỉ cao hơn 1 triệu trẻ so với thời kỳ chính sách một con có hiệu lực. Điều này cho thấy, chính sách hai con chưa thực sự hiệu quả do không đi kèm với các biện pháp khuyến khích. Nhiều cặp vợ chồng vẫn không sẵn sàng có thêm con trước áp lực về kinh tế, việc làm.
Với những bài học rút ra trước đó, trong những tháng gần đây, nhiều địa phương tại Trung Quốc đã đưa ra các chính sách khuyến khích các cặp vợ chồng sinh nhiều con như: cắt giảm thuế, trợ cấp giáo dục và nhà ở. Nếu thực sự có hiệu lực, liệu chính sách này có giải quyết được hàng loạt vấn đề như: mất cân bằng giới, già hóa dân số, lực lượng lao động giảm sút mà Trung Quốc đang gặp phải hay không, câu trả lời sẽ chỉ có trong ít nhất một thập kỷ tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!