G20 kêu gọi đối thoại giải quyết căng thẳng thương mại. (Ảnh: Reuters)
Ngày 22/7, tại Hội nghị Bộ Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi G20 lần thứ 3 trong năm 2018 ở thủ đô Buenos Aires của Argentina, các đại biểu đã lên tiếng kêu gọi hành động khẩn cấp trong bối cảnh thế giới đang đứng trước cuộc chiến tranh thương mại trên diện rộng. Cuộc chiến này có thể khiến GDP toàn cầu sụt giảm hơn 430 tỷ USD khi Mỹ, EU và Trung Quốc đe dọa áp thuế trả đũa lẫn nhau đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ các bên có giá trị lên tới gần 1.000 tỷ USD.
Với sự có mặt của Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), hội nghị tập trung vào các chủ đề cấp thiết nhất của nền kinh tế toàn cầu. Các chủ đề được đưa ra trong bối cảnh nhiều nước đang lo ngại xung đột thương mại leo thang xuất phát từ các biện pháp bảo hộ của Mỹ sẽ dẫn đến sự bùng nổ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và các nước khác trên thế giới, đặc biệt là với Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).
Bà Christine Lagarde, Tổng Giám đốc IMF, nói: "Với những biện pháp hạn chế thương mại đang được triển khai và đang trong quá trình chuẩn bị, một kịch bản tồi tệ có thể xảy ra khi GDP toàn cầu có nguy cơ sụt giảm tới 5%".
Bất chấp việc các Bộ trưởng Bộ Tài chính G20 chỉ trích động thái của Mỹ tăng thuế đối với một loạt mặt hàng nhập khẩu, tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Mnuchin vẫn không phát đi tín hiệu nào cho thấy Mỹ sẵn sàng nhượng bộ về vấn đề thương mại.
Ông Steven Mnuchin, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, chia sẻ: "Nếu châu Âu tin tưởng vào thương mại tự do, chúng tôi sẵn sàng ký một thỏa thuận thương mại tự do mà không có thuế quan, hàng rào phi thuế quan hay trợ cấp đi kèm. Chúng tôi mong muốn có một mối quan hệ cân bằng hơn và mối quan hệ cân bằng này làm chúng tôi bán nhiều hàng hóa hơn".
Ông Mnuchin cũng để ngỏ khả năng lời đe dọa của Tổng thống Mỹ, việc áp thuế đối với các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị lên tới 500 tỷ USD sẽ được hiện thực hóa. Tuyên bố của ông Mnuchin đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ Bộ trưởng Bộ Tài chính và Kinh tế Pháp Bruno Le Maire, người cho rằng chính Mỹ phải có bước đi đầu tiên nhằm giảm leo thang căng thẳng, nếu không EU sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài hành động trả đũa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!