Công trình giếng Cổ Gio An thuộc xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị là di tích có giá trị khảo cổ, văn hoá nghệ thuật độc đáo do người Chămpa sáng tạo trên vùng đất nay bằng hệ thống dẫn thủy cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất.
Qua thời gian cũng như sự tác động của thiên tai đã làm cho nhiều giếng bị hư hại, xuống cấp. Chính vì vậy, công tác trùng tu, tôn tạo hệ thống giếng cổ nhằm thu hút khách du lịch cũng như tạo nguồn nước để người dân sản xuất nông nghiệp đã được các cơ quan ban ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương chú trọng triển khai.
Giếng Bà là một trong 14 giếng cổ của hệ thống giếng cổ xã Gio An, huyện Gio Linh. Với một mạch nước nhỏ, nhưng giếng Bà đã cung cấp nguồn nước quanh năm cho người dân nơi đây sản xuất nông nghiệp. Giếng Bà này đã có tuổi thọ lên đến hàng ngàn năm. Giếng Bà hàng năm cung cấp nước cho khoảng 7ha người dân trồng rau xà lách xoong và khoảng 20ha trồng lúa trên địa bàn xã Gio An.
14 giếng cổ trên địa bàn xã Gio An, hàng năm cung cấp nước tưới cho khoảng 15 ha trồng rau xà lách xoong và 70ha ruộng lúa. Các giếng cổ hầu hết đều nằm ở chân sườn các quả đồi đất đỏ bazan. Do ảnh hưởng bởi các đợt mưa lũ lớn cũng như quá trình sử dụng của con người, nên đã biến dạng không gian sinh tồn của di tích.
Thời gian qua, ngành văn hóa tỉnh Quảng Trị đã từng bước phục dựng chống xuống cấp, để bảo tồn di tích giếng cổ. Chính quyền địa phương nơi đây cũng đã mở rộng không gian của di tích để tránh sự xâm hại của di tích.
Những năm trước đây, khi chưa có sự ảnh hưởng của dịch COVID-19, mỗi năm tại xã Gio An, thu hút từ 1000 đến 1500 du khách đến tham quan giếng cổ.
Tỉnh Quảng Trị đang đề nghị, đưa hệ thống giếng cổ Gio An trở thành di tích Quốc gia đặc biệt. Để từng bước gìn giữ và đưa loại hình giếng cổ trở thành điểm đến về du lịch. Đặc biệt là phát triển du lịch cộng đồng trên khu vực giếng cổ trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!