* Đắk Lắk: Bão số 12 gây thiệt hại khoảng 356 tỷ đồng
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk, cơn bão số 12 vừa qua đã khiến 1 người chết, 10 người bị thương và gây thiệt hại về tài sản khoảng 356 tỷ đồng.
Toàn tỉnh Đắk Lắk có gần 170 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, hơn 2.000 nhà dân cùng nhiều điểm trường, cơ sở y tế, trụ sở làm việc bị tốc mái và hư hỏng nặng; trên 26.500 ha cây trồng các loại bị gãy, đổ và ngập lụt; nhiều công trình giao thông, cầu cống, thủy lợi bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng. Tổng thiệt hại về tài sản ước tính khoản 356 tỷ đồng.
Sau khi bão tan, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương kịp thời hỗ trợ khẩn cấp cho gia đình bị thiệt hại nặng để người dân sớm ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới nhằm khôi phục sản xuất sau bão lũ.
* Quảng Nam thiệt hại 800 tỷ đồng do mưa lũ
UBND tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo chính thức về thiệt hại do mưa lũ và cơn bão số 12 gây ra. Theo số liệu mới nhất, gần 300 nhà dân bị sập hoặc hư hại nặng. Gần 800 ha lúa đang chín và 1.500 ha hoa màu bị hư hại; gần 1.000 gia súc chết, hàng nghìn gia cầm bị nước cuốn trôi. Mưa lũ làm sạt lở 33 km kênh mương, hơn 1 km bờ biển Cửa Đại; một số tuyến đường hư hỏng nặng. Nhiều công trình giao thông, thủy lợi cần được tu sửa, ước tính tổng thiệt hại trên 800 tỷ đồng. Quảng Nam đã phải sơ tán hơn 4.800 hộ với hơn 10.600 người đến nơi an toàn.
Hiện tỉnh Quảng Nam đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ 180 tỷ đồng để khắc phục, sửa chữa các tuyến giao thông, công trình thủy lợi. Đồng thời, địa phương này yêu cầu các chủ hồ thủy điện tiếp tục điều tiết nước, đưa mực nước hồ về cao trình mực nước cao nhất trước lũ trong thời gian 48h.
* Thừa Thiên Huế: Đề phòng lũ kép và sạt lở
Hôm nay (9/11), khi nước lũ đang rút, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các ban ngành và địa phương vùng xung yếu khẩn trương khắc phục hậu quả của thiên tai.
Cho đến thời điểm này đã cơ bản hoàn tất giải phóng hàng nghìn khối đất, đá sạt lở gây ách tắc nhiều đoạn trên các tuyến giao thông trọng yếu dẫn đến hai huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, việc lưu thông trên các tuyến đường này vẫn còn gặp nhiều nguy hiểm do xuất hiện vết nứt và đứt gãy trên sườn núi hai bên đường.
Cùng với khẩn trương giải phóng giao thông trên tuyến, trong sáng nay (9/11), việc sơ tán dân cư sinh sống dưới các điểm sắp sạt lở hoặc có nguy cơ cao cũng được chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo quyết liệt thực hiện. Cùng với đó, lệnh cấm đường cũng sẽ được cân nhắc khi mưa lớn tiếp tục xảy ra để tránh thiệt hại về người khi xảy ra sự cố.