Đà Nẵng có 6 khu công nghiệp và cụm khu công nghiệp, trong đó có khoảng 27.000 lao động ngoại tỉnh. Tuy nhiên thực tế hiện nay chỉ có hơn 7% người lao động tiếp cận được với chính sách nhà ở của thành phố.
Hiện nay toàn thành phố có chưa tới 2.000 căn nhà ở xã hội dành cho công nhân lao động, tập trung cho 2 khu công nghiệp là Hòa Khánh và Hòa Cầm. Những khu vực khác chỉ mới có kế hoạch. Riêng quận Sơn Trà có khu công nghiệp Thủy sản và An Đồn, có chủ trương di dời nhưng hiện nay có trên 12.000 lao động với 60% là lao động ngoại tỉnh chủ yếu đang ở trọ tại những khu vực tự phát, do người dân tự xây dựng cho thuê.
Tại quận Liên Chiểu, dù có ngay dự án nhà ở xã hội bên cạnh, nhưng nhiều lao động trên đường Âu Cơ, phường Hòa Khánh Bắc vẫn phải thuê trọ trong những căn phòng từ 10 đến 15 m2. Nhiều nơi lụp xụp, nguy cơ phòng, chống cháy nổ, nguy cơ lây lan dịch bệnh cao.
Hàng nghìn đơn xin thuê nhà ở xã hội, thậm chí hộ nghèo, đặc biệt khó khăn và những gia đình chính sách mòn mỏi đợi được thuê nhà ở xã hội, nhưng, những năm qua, Đà Nẵng phát hiện hàng trăm trường hợp bố trí sai đối tượng hoặc người được mua nhà ở xã hội đem cho thuê lại, bỏ trống.
Tháng 3.2023 vừa qua, Trung tâm Quản lí và Khai thác nhà Đà Nẵng đã phối hợp UBND các quận, huyện cưỡng chế thu hồi 57 căn hộ chung cư xã hội. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở quận Cẩm Lệ 20 căn và quận Sơn Trà 22 căn. Đây là những căn hộ chung cư trước kia bố trí chưa đúng đối tượng, hoặc trong quá trình sử dụng, người sử dụng đã vi phạm như cho người khác ở, thuê lại, nợ tiền thuê nhà nhiều năm, hoặc bỏ trống.
Tại thời điểm cưỡng chế, Trung tâm Quản lí và Khai thác nhà Đà Nẵng cho biết, đa số căn hộ bỏ trống thời gian dài, quá trình thực hiện cưỡng chế thu hồi đại diện các hộ dân không có mặt. Sau thời gian thông báo, lực lượng chức năng buộc phải phá khóa để thực hiện nhiệm vụ theo quy định.
Trước đó, năm 2019, Thanh tra TP Đà Nẵng đã có thông báo kết luận thanh tra về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác xét duyệt, quản lí và sử dụng nhà ở xã hội tại chung cư An Trung 2 do Liên doanh Công ty Cổ phần Đức Mạnh và Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng 579 làm chủ đầu tư (DMC-579).
Kết luận thanh tra chỉ rõ trong 324 trường hợp được mua nhà ở xã hội tại đây, có 80 trường hợp sai phạm. Trong đó có 12 trường hợp đã có nhà ở thuộc sở hữu, 3 trường hợp vừa có nhà ở vừa chịu thuế thu nhập cá nhân… Liên doanh DMC-579 chịu trách nhiệm chính trong công tác xét duyệt 43 hồ sơ không đúng quy định. Sở Xây dựng chịu trách nhiệm chính đối với những hạn chế, thiếu sót trong việc trực tiếp đề xuất, phê duyệt danh sách mua nhà ở xã hội chung cư An Trung 2.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!