Quảng Nam là địa phương từng nổi tiếng cả nước một thời về mô hình Hợp tác xã với nhiều mô hình sáng tạo, thích ứng với cơ chế thị trường. Huyện trung du-miền núi Tiên Phước là điểm sáng về Hợp tác xã kiểu mới.
Tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, năm 2013, Hợp tác xã Nhật Linh ra đời, chuyên thu mua, chế biến các loại đặc sản của địa phương để đưa ra thị trường. Nhờ vậy, các sản phẩm "Tiêu Tiên Phước", "Trầm hương Tiên Phước" lần lượt xuất hiện và ngày càng được biết đến nhiều hơn trên thị trường...
Tại huyện Tiên Phước, trước đây số lượng Hợp tác xã vừa ít, lại vừa hoạt động không hiệu quả. Nhờ sớm áp dụng chính sách mới và có nhiều cơ chế hỗ trợ, nên đến nay đã phát triển được hơn 60 Hợp tác xã. Các Hợp tác xã kiểu mới chú trọng đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học, mở thêm các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ phù hợp với thế mạnh địa phương và nhu cầu tiêu dùng...
Từ năm 2018, Hợp tác xã Phước Tuyên đã liên kết với gần 100 hộ dân để ổn định vùng nguyên liệu lòn bon tại chỗ. Với diện tích hơn 15 hecta, Hợp tác xã sẽ thu mua mỗi năm khoảng 10 tấn trái cây vốn là đặc sản của địa phương, với giá cao hơn thị trường khoảng 1,5 lần, để sản xuất xấp xỉ 10 ngàn chai rượu vang đặc sản mỗi năm...
Những năm gần đây, với yêu cầu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, Hợp tác xã đã có bước phát triển mới về số lượng, hiệu quả, nâng cao các loại hình dịch vụ, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh ở khu vực nông thôn. Đặc biệt, đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm của nông dân, nâng cao hiệu quả sản xuất. Nhiều Hợp tác xã đã nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường, tạo sự liên kết, hợp tác với nhau và với các doanh nghiệp, làm ăn có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống của người dân và tạo nên "sức sống mới" cho khu vực nông thôn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!