Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, vấn đề thiếu giáo viên ở các cấp học mầm non, tiểu học cũng đã tồn tại nhiều năm trở lại đây, đặc biệt là khi triển khai dạy học theo chương trình Giáo dục phổ thông mới. Thêm vào đó việc Luật Giáo dục 2019 nâng chuẩn đối với giáo viên tiểu học, yêu cầu phải đạt trình độ đại học cũng khiến việc tuyển dụng giáo viên ở cấp học này đã khó nay càng khó hơn.
Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 127 giáo viên xin nghỉ việc, trong đó chiếm phần lớn là giáo viên khối mầm non. Trước đó, năm 2022, toàn tỉnh cũng có 81 trường hợp giáo viên xin nghỉ việc. Thực tế cho thấy, các trường học tuyến huyện là những nơi đang xảy ra tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng. Một lý do nữa khiến công tác tuyển dụng giáo viên ở các địa bàn vùng sâu vùng xa cũng đang gặp khó khăn đó là thiếu hồ sơ dự tuyển do thí sinh chỉ tập trung nộp hồ sơ ở vùng trung tâm.Có thể thấy, câu chuyện thiếu giáo viên vẫn đang khiến các địa phương đứng trước nhiều thách thức, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dạy và học, nhất là khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới (năm 2018). Để khắc phục tình trạng bất cập này, ngành giáo dục cần có lộ trình và những giải pháp mang tính dài hơi trong thời gian tới. Trong đó, vấn đề tăng lương, nâng phụ cấp ưu đãi, nhất là đối với giáo viên mầm non, tiểu học phải được thực hiện một cách cấp bách.
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2022 - 2023, toàn quốc có 9.295 giáo viên nghỉ việc. Trước đó, năm học 2021-2022, có 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc. Tại sao nhiều giáo viên lại lựa chọn nghỉ việc hoặc bỏ việc ? Để trả lời câu hỏi này có lẽ cần lắng nghe nhiều hơn tâm tư, nguyện vọng của giáo viên, từ đó có phương án tháo gỡ, nhất là trong giai đoạn thực hiện đổi mới giáo dục như hiện nay.
Hiện nay để điều chỉnh tình trạng thừa, thiếu giáo viên, ngành giáo dục các địa phương đã có nhiều phương án. Cùng với việc tuyển dụng, sử dụng biên chế giáo viên, một số địa phương đã chỉ đạo sắp xếp, dồn điểm trường để phù hợp với điều kiện cụ thể, đảm bảo tính hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường.
Đến năm 2026, cả nước còn thiếu khoảng 107 nghìn giáo viên. Trong đó chỉ tiêu được duyệt bổ sung là hơn 65 nghìn. Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những khâu cần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên là rà soát, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông. Tuy nhiên, việc thực hiện không đồng bộ vì việc rà soát, sắp xếp ở mỗi tỉnh, mỗi địa phương còn khác nhau tiếp tục đặt ra nhiều thách thức. Trong khi đó về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần đưa ra nhiều giải pháp, trong đó tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để nâng cao vị thế, thu nhập của nhà giáo.
Có chế độ tiền lương, phụ cấp phù hợp,nhất là cho người dạy mầm non, tiểu học và giáo viên mới tương xứng với cường độ, áp lực công việc và trình độ đào tạo. Mỗi một địa phương cần tính đến điều kiện thực tế trong tuyển dụng và giữ chân giáo viên, có lộ trình cụ thể trong chuẩn hoá trình độ cho người dạy mầm non và phổ thông, ko để xảy ra tình trạng nơi thừa, nơi thiếu…Đây có lẽ là những điều kiện tiên quyết để tạo động lực cho các thầy cô giáo tiếp tục yêu nghề và cống hiến cho sự nghiệp đổi mới trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!