TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Nâng tầm giá trị cho cây dược liệu vùng cực bắc Tây Nguyên

Tấn Hiền, Đình ĐạiCập nhật 21:49 ngày 15/02/2023

VTV.vn - Quảng bá, nâng cao giá trị cho cây dược liệu vùng Bắc Tây Nguyên để nâng cao đời sống cho người dân hiện đang là vấn đề được các địa phương tại đây đặc biệt quan tâm.

Vùng đất cực bắc Tây Nguyên được biết đến là nơi hội tụ của nhiều loại dược liệu quý. Ngoài cây Sâm Ngọc Linh đã được nhiều người biết đến, vùng đất này còn có nhiều loại thảo dược quý như: Hồng đảng sâm, Đương quy, Sơn tra… có giá trị kinh tế cao. Tuy được thiên nhiên ưu ái nhưng đời sống của người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn. Ngoại trừ Sâm Ngọc Linh, hầu hết các sản phẩm dược liệu làm ra chưa được đông đảo người tiêu dùng biết đến nên thị trường còn hạn chế.

Đến nay, toàn tỉnh Kon Tum có trên 1.700 ha Sâm Ngọc Linh và gần 3000 ha cây dược liệu khác, được trồng chủ yếu tại 3 vùng dược liệu trọng điểm của tỉnh là huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Plông. Địa phương này cũng đã có quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển dược liệu, lộ trình và nguồn vốn đầu tư từng năm cho các địa phương trong vùng trọng điểm dược liệu.

Tỉnh Kon Tum phấn đấu đến năm 2025, hình thành được vùng trồng dược liệu tập trung, phấn đấu diện tích sâm Ngọc Linh đạt 4.500 ha; diện tích trồng cây dược liệu khác khoảng 10.000 ha. Đến năm 2030, diện tích vùng trồng dược liệu tập trung đạt khoảng 25.000 ha trong đó diện tích rừng tự nhiên có trồng sâm Ngọc Linh khoảng 10.000 ha; Sản lượng các loại dược liệu đạt trên 130.000 tấn, trở thành vùng sản xuất dược liệu trọng điểm của cả nước.

Ngoài Sâm Ngọc Linh, loại dược liệu quý hiếm có giá trị cao đã được nhiều người biết đến, vùng đất cực Bắc Tây Nguyên này còn sở hữu nhiều loại dược liệu quý. Những năm gần đây, tận dụng lợi thế khu vực rừng tự nhiên, hàng ngàn hộ đồng bào Xơ Đăng đã liên kết với doanh nghiệp vừa phát triển cây dược liệu, vừa tham gia bảo vệ rừng. Việc tham gia phiên chợ không chỉ giúp bà con có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm sản xuất mà còn mở ra cơ hội tiếp cận thị trường, công việc khá mới mẻ đối với người dân nơi đây.

Mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường là điều kiện cần để nâng tầm cho dược liệu Kon Tum. Tuy nhiên, điều kiện đủ là cần có những giải pháp đồng bộ từ sản xuất, chế biến đến thị trường… Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 và định hướng đến 2045 để các địa phương chủ động triển khai thực hiện nhằm thúc đẩy mở rộng diện tích có sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác, đa dạng các sản phẩm chế biến từ dược liệu để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để cụ thể mục tiêu trở thành vùng trọng điểm dược liệu quốc gia, tỉnh Kon Tum đang xin cơ chế đặc thù cho phép trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng đặc dụng kết hợp với bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý bảo vệ bền vững tài nguyên rừng. Cùng với đó là cơ chế hỗ trợ phát triển dược liệu, tiếp cận vốn vay ưu đãi để khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển diện tích, tham gia chế biến sâu các sản phẩm từ dược liệu.

Tỉnh Kon Tum hướng đến khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về dược liệu; sử dụng bền vững có hiệu quả nguồn dược liệu tự nhiên hiện có. Theo đó, trước mắt tập trung phát triển sản phẩm đặc hữu sâm Ngọc Linh gắn với quảng bá và khẳng định thương hiệu tại thị trường trong nước và quốc tế. Kon Tum đang phấn đấu ngành dược liệu đóng góp khoảng 10% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của địa phương.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Hà Tĩnh: Vướng mặt bằng khiến hàng loạt dự án chậm tiến độ

VTV.vn-Vướng mắc về giải phóng mặt bằng là nguyên nhân chính khiến hàng loạt dự án ở Hà Tĩnh bị chậm tiến độ. Công tác giải ngân vốn đầu tư công vì thế cũng không được như kỳ vọng.