Với người dân miền Trung, dòng sông không chỉ mang lại phù sa, bồi đắp những cánh đồng quanh năm tươi tốt mà dòng sông như là dòng sữa mẹ mang lại nguồn sống cho những làng chài, trong đó, phải kể đến nghề cào hến có từ lâu đời tuy vất vả nhưng mang lại nguồn thu nhập khá cho hàng trăm hộ gia đình.
Từ đầu tháng 4 đến nay, sông Trường Giang ở Quảng Nam trở nên nhộn nhịp. Những chiếc ghe gắn máy dường như hoạt động hết công suất. Thường thì mỗi cặp vợ chồng đi chung một ghe, chồng cào hến, vợ phụ. Xưa kia, ông cha ngâm mình dưới nước để cào hến. Nay, ghe thuyền gắn động cơ, nghề cào hến cũng đỡ vất vả. Trung bình mỗi ngày, một ghe có thể khai thác được vài tạ hến. Đây được xem là món quà mà sông Trường Giang ban tặng cho ngư dân.
Trên bờ sông Trường Giang, từ giữa khuya, các lò hến bắt đầu đỏ lửa cho đến 7 giờ sáng. Mỗi lò hến có đến 10 – 15 lao động. Luộc hến là công đoạn rất quan trọng đòi hỏi người chủ lò phải kiểm soát được nhiệt độ nấu hến. Nếu không tuân thủ quy trình luộc truyền thống sẽ không thể bóc tách vỏ và ruột hến. Ngoài ra, quá trình chế biến còn phải lọc hết tạp chất.
Hiện nay, trên chiều dài hơn 70km dọc sông Trường Giang của tỉnh Quảng Nam có đến hàng trăm lò hến. Nhiều nhất phải kể đến các lò hến xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ. Ngoài ra, các xã ven sông như Bình Giang, Bình Dương của huyện Thăng Bình hiện có hàng chục hộ gia đình mở các lò nấu hến. Theo ngư dân, hến trên sông Trường Giang được xem là đặc sản của vùng đất này.
Mùa cào hến trên sông Trường Giang kéo dài 9 tháng nhưng chính vụ chỉ kéo dài 4 tháng. Hiện nay, có hàng trăm hộ gia đình ven sông sống bằng nghề cào hến. Ngoài ra, còn một lượng lớn lao động, chủ yếu là phụ nữ đang làm việc tại các lò nấu hến. Vào cao điểm như lúc này, một lò hến mỗi ngày đã thu mua hơn 5 tấn hến vỏ, chế biến được hàng tạ hến ruột. Hến trên sông Trường Giang khai thác đến đâu, tiêu thụ đến đó. Sau khi sơ chế, ruột hến sẽ được các thương lái thu mua và cung ứng ra nhiều tỉnh thành trên cả nước. Vỏ hến cũng được tận dụng chế biến thành vôi, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!