Thời gian qua, đã có hàng chục cho đến hàng trăm vụ tàu cá lớn nhỏ bị mắc cạn tại các cửa biển ở Quảng Bình và Quảng Trị. Nhiều tàu cá hư hỏng nặng, có tàu không thể ra khơi được nữa. Cửa biển cạn như vậy, gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng. Chính quyền địa phương nguồn lực lại không có, nên vẫn chưa có giải pháp nào mang tính bền vững.
Các cửa biển ở Quảng Bình và Quảng Trị nằm trải dài qua nhiều xã bãi ngang của 2 địa phương này, hơn 80 % hộ dân đều sống nhờ vào việc đánh bắt thủy hải sản. Các cửa biển cạn, kéo theo nhiều hệ lụy, đặc biệt là làm chậm sự phát triển kinh tế của các địa phương ven biển.
Muốn đóng một con tàu xa bờ, ngư dân phải vay vốn của ngân hàng từ 10 đến 15 tỷ đồng, nhưng với tình trạng cửa biển cạn như hiện nay, ngư dân không thể ra khơi đồng nghĩa là việc trả nợ cho ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn.
Hiện tại, nhiều tàu cá không ra vào cửa biển ở Quảng Bình và Quảng Trị được, nên buộc phải lênh đênh, neo nhờ tại các địa phương khác. Đặc biệt về mùa mưa bão, rất khó khăn trong việc neo đậu. Với việc các cửa biển cạn như hiện nay, rất cần có những giải pháp từ chính quyền địa phương của Quảng Bình và Quảng Trị, để giúp ngư dân bớt khó khăn trong mùa đánh bắt.
Nạo vét luồng lạch, hay làm kè chống cát bồi lấp, đây là những việc mà Quảng Bình và Quảng Trị cũng đã tính đến. Tuy nhiên, nguồn lực của các địa phương có hạn. Cần các Bộ ngành Trung ương hỗ trợ thêm cho hai địa phương này. Đặc biệt là cần phải có những giải pháp tối ưu nhất, để hạn chế việc cát bồi lấp, làm cửa biển cạn, bởi sau mỗi lần nạo vét, chỉ một thời gian ngắn lại bị bồi lấp trở lại. Ngư dân ở các địa phương ven biển ở Quảng Bình và Quảng Trị luôn lo lắng mỗi vụ cá Nam hay vụ cá Bắc khi cửa biển lại cạn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!