TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Người kể chuyện dòng Hương Giang qua gốm cổ

Mỹ Nga, Nam TrungCập nhật 21:00 ngày 11/03/2022

VTV.vn - Tại Huế, có một người phụ nữ đã có gần 40 năm cất công sưu tầm gần 5000 hiện vật gốm cổ tiêu biểu cho hầu hết các thời kỳ lịch sử được vớt lên từ lòng Hương Giang.

Từ bộ sưu tập gốm cổ độc đáo này, câu chuyện về dòng Hương Giang với những trầm tích văn hóa, lịch sử đã được kể lại.

Với nhiều chủng loại gốm cổ phần lớn đều còn nguyên vẹn và vô cùng phong phú, như bình, ché, hũ, vò, ấm, bát, bình vôi, nồi, chum, gần 5.000 hiện vật gốm cổ tại đây là đại diện tiêu biểu cho những lát cắt lịch sử ở mảnh đất này, kể những câu chuyện về cuộc sống đời thường của cư dân cổ cư trú trên dải đất Thừa Thiên - Huế.

Tất cả hiện vật vớt từ sông Hương đều phản ánh được câu chuyện của dòng sông cũng như câu chuyện lịch sử của văn hóa, nếp sống văn minh của người dân trên vùng đất này và ảnh hưởng của nó đến các vùng đất khác.

Ít có con sông nào có lớp trầm tích dày đặc, kéo dài cả không gian lẫn thời gian như dòng sông Hương. Chứa đựng nhiều giá trị lịch sử quý giá như vậy, bộ sưu tập gốm cổ đồ sộ của Giáo sư Tiến sĩ Thái Kim Lan đã thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu và không khỏi bất ngờ trước những trầm tích mà dòng Hương Giang đã để lại cho đến ngày hôm nay.

Với niềm đam mê đặc biệt của mình, ở độ tuổi không còn trẻ, mong muốn lớn nhất của Giáo sư Tiến sĩ Thái Kim Lan đó chính là gìn giữ, nuôi dưỡng và trao truyền tình yêu di sản Huế, văn hóa sông Hương đến với tất cả mọi người, đặc biệt là giới trẻ.

Bên cạnh việc trở thành một địa chỉ văn hóa độc đáo, việc lưu giữ những giá trị của gốm cổ  Hương Giang đã giúp người dân và du khách hiểu thêm về lịch sử, giá trị văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam. Qua đó, thêm tự hào về bản sắc văn hóa của dân tộc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Nông dân Quảng Ngãi xây dựng thương hiệu nông sản

VTV.vn - Hiện nay, ở nhiều địa phương, nông dân không chỉ dừng lại ở sản xuất nông nghiệp mà chuyển dần sang mô hình kinh tế nông nghiệp.