Theo đó, tỉnh chỉ có 2 hồ chứa được kiểm định an toàn đập, theo Nghị định 72/NĐ-CP của Chính phủ là hồ Thủy lợi – Thủy điện Quảng Trị và hồ Triệu Thượng 2. Còn lại 129 hồ chưa được kiểm định an toàn đập; trong đó, nhiều hồ có dung tích thiết kế lớn, được xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp.
Đơn cử như hồ Kinh Môn ở huyện Gio Linh có dung tích thiết kế khoảng 21 triệu m3 nước. Hiện nay, đập chính của hồ chứa này bị hư hỏng nhiều chỗ. Mặt đập đã bị xói lở dẫn đến việc đi lại để quản lý gặp nhiều khó khăn. Mái đá thượng lưu đập chính có hiện tượng sụt lún không đều. Khi mực nước thượng lưu hồ lớn hơn cao trình từ +17m thì xuất hiện thấm qua thân đập. Hồ Kinh Môn đang được ghi vào danh mục sửa chữa, nâng cấp giai đoạn 2018 – 2022.
Bên cạnh đó, đến giữa tháng 6/2018 tỉnh Quảng Trị mới chỉ có 15 hồ chứa có phương án bảo vệ đập được phê duyệt, còn lại 116 hồ chưa xây dựng phương án bảo vệ đập. Tỉnh cũng còn đến 129 hồ chưa được lập phương án phòng chống lũ, lụt cho vùng hạ du; 122 hồ chưa lập quy trình vận hành.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, phần lớn các hồ chứa của tỉnh đã được xây dựng từ lâu, các tiêu chuẩn thiết kế chưa phù hợp, tần suất thiết kế phòng lũ, xả lũ còn thấp, thường xảy ra hiện tượng mất an toàn hồ chứa rất nguy hiểm trong mùa mưa bão.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị cũng đã đề xuất với Uỷ ban Nhân dân tỉnh, kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sửa chữa và nâng cấp các hồ chứa với tổng số vốn trên 823 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Trị cũng huy động nguồn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) để sửa chữa, nâng cấp hồ đập.
Cụ thể, đầu tháng 6/2018 UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt dự án sửa chữa và nâng cấp 12 hồ chứa bị xuống cấp hoặc thiếu năng lực xả lũ. Dự kiến đến năm 2022, tỉnh Quảng Trị sẽ hòan thành việc sửa chữa và nâng cấp các hồ này, với tổng vốn đầu tư trên 226 tỷ đồng; trong đó hơn 214 tỷ đồng vay của WB, gần 12 tỷ đồng còn lại là vốn đối ứng của địa phương..