Trải qua hàng ngàn năm, dưới sự bào mòn của thiên nhiên và chiến tranh tàn phá, nhiều đền tháp Di tích Mỹ Sơn sụp đổ thành phế tích. Hàng chục năm qua, dưới sự hỗ trợ tích cực của tổ chức UNESCO và các tổ chức quốc tế, việc trùng tu Di tích Mỹ Sơn được triển khai và đã mang lại những tín hiệu tích cực. Một trong những yếu tố then chốt góp phần phục dựng lại các nhóm tháp đã đổ nát đó là sản xuất ra loại gạch tương tự như gạch nguyên bản mà người Chăm đã sử dụng xây tháp.
7 năm nay, các chuyên gia đến từ Viện khảo cổ học Ấn Độ đã triển khai dự án Bảo tồn và trùng tu các nhóm tháp A, H, K tại Di tích Mỹ Sơn. Hiện nay, phía bạn tiếp tục trùng tu nhóm tháp E, A’, F1. Để đảm bảo cho quá trình trùng tu, ngoài sử dụng gạch từ nguồn phế tích, phần lớn các ngôi tháp này đều sử dụng loại gạch thủ công do ông Nguyễn Quá - một người dân gần Di tích Mỹ Sơn sản xuất. Tuy nhiên, cơ sở sản xuất này có thể phải dừng hoạt động, nguy cơ thiếu gạch trùng tu đang dần hiện ra trước mắt.
Đóng cửa các cơ sở sản xuất gạch thủ công gần khu dân cư là quy định chung để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nếu đóng cửa cơ sở sản xuất gạch chuyên dùng để phục chế, trùng tu các di sản có tính đặc thù như Mỹ Sơn thì cần có những lộ trình dài hơi. Để đảm bảo tiến độ trùng tu Di tích Mỹ Sơn như đã ký kết với các đối tác quốc tế, việc di dời cơ sở sản xuất gạch đến địa điểm phù hợp được xem là giải pháp phù hợp. Ngoài ra, ngành văn hóa Quảng Nam cần có những giải pháp lâu dài để đảm bảo nguồn gạch phục vụ công tác trùng tu nhiều di tích Chăm trên địa bàn tỉnh này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!