Trong bối cảnh Chính phủ, các Bộ ban ngành và chính quyền các địa phương đang nỗ lực triển khai các giải pháp để sớm "gỡ thẻ vàng" của EC trong chống đánh bắt và khai thác thủy hải sản bất hợp pháp. Thế nhưng, tại một số địa phương tình trạng các phương tiện chuyên đánh bắt thủy hải sản bằng hình thức giã cào, kích điện, thậm chí bằng thuốc nổ, bom mìn vẫn còn diễn ra.
Theo Bộ NN&PTNT, mặc dù tình hình chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không theo quy định IUU, sau 5 năm bị cảnh báo "thẻ vàng" đã có những chuyển biến tích cực. Các địa phương đã ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu tàu cá trên Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia để quản lý đội tàu. Công tác quản lý đội tàu từng bước đi vào nề nếp, giảm dần số lượng tàu cá để giảm nghề khai thác ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản; hệ sinh thái biển.
Tuy nhiên, tình trạng người dân sử dụng tàu giã cào, kích điện, thuốc nổ… để đánh thủy hải sản vẫn còn diễn ra tại một số địa phương ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và các tỉnh vùng Nam Trung Bộ… Với các công cụ trên, tất cả các sinh vật khi bị quét qua đều bị hủy diệt, làm cho nguồn lợi thủy sản không thể tái tạo, dẫn đến sụt giảm nhanh chóng số lượng các loài thủy sản, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học.
Trong các lần kiểm tra về công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không theo quy định IUU, Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) đã chỉ ra nhiều tồn tại, bất cập tại các địa phương trong quá trình thực hiện. Đó là các địa phương cần phải tăng mức xử phạt, bổ sung hình thức xử phạt, tịch thu sản phẩm khai thác và xem xét truy tố một số hành vi vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm.
Tình trạng tàu cá mất kết nối, vượt ranh giới trên biển vẫn diễn ra phổ biến, kiểm soát tàu cá ra, vào cảng còn chưa chặt chẽ... Từ những bất cập trên có thể thấy, bên cạnh những nỗ lực của các cơ quan chức năng thì ý thức của ngư dân là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để sớm gỡ thẻ vàng của EC.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!