Chuyến khảo sát hỗn hợp lần thứ 6 do các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Phân viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga phối hợp tổ chức. Sau 2 tuần tiến hành khảo sát trên vùng biển xung quanh các đảo Phú Quý, Côn Đảo, Thổ Chu, Nam Du, An Thới và các bãi cạn trên thềm lục địa Nam Việt Nam, các nhà khoa học đã thực hiện được 12 điểm lặn và 20 điểm cào. Qua đó đã thu thập nhiều tư liệu về đa dạng sinh học và cấu trúc quần xã sinh vật; các mẫu vật phục vụ nghiên cứu hóa sinh và môi trường. Trong đó có một số phát hiện mới mang ý nghĩa lớn cho khoa học biển Việt nam.
Từ năm 2005 đến nay, các nhà khoa học Nga và Việt Nam đã tiến hành được 6 chuyến khảo sát chung trên vùng biển Việt Nam theo lộ trình hợp tác về nghiên cứu biển giữa Viện Hàn lâm khoa học Nga và Việt Nam. Kết quả của các chuyến khảo sát có ý nghĩa quan trọng cho khoa học biển Việt Nam cũng như thế giới. .
Việc hợp tác nghiên cứu khoa học biển giữa Viện Hàn lâm Khoa học Nga và Việt Nam sẽ được tăng cường. Các chuyến khảo sát biển bằng tàu Oparin được thực hiện 2 năm 1 lần thay vì 3 năm như trước. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong phát triển khoa học và kiện toàn năng lực nghiên cứu khoa học biển cho Việt Nam.