Nghệ thuật cồng chiêng vốn là nét văn hoá đặc trưng, từ lâu đã trở thành một phần quan trọng trong tín ngưỡng dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao tỉnh Quảng Nam.
Nhằm góp phần làm phong phú bản sắc văn hoá, tín ngưỡng của đồng bào vùng cao, trong dịp năm mới vừa qua, trong khuôn khổ phiên chợ sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My, ngành Giáo dục Quảng Nam đã tổ chức Hội thi liên hoan nghệ thuật cồng chiêng dành cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Sự kiện không chỉ là nơi hội tụ và giao lưu văn hoá mà còn giúp các em biết quý trọng và gìn giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc mình.
Hiện nay, công tác bảo tồn giá trị văn hóa cồng chiêng của đồng bào các dân tộc thiểu số được các địa phương tỉnh Quảng Nam đặc biệt quan tâm. Nhiều bản làng vùng cao đã hình thành câu lạc bộ múa cồng chiêng, thu hút nhiều bạn trẻ tham gia. Đây cũng là nội dung nằm trong Đề án khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn đến năm 2030...
Từ nhiều đời nay, cồng chiêng luôn gắn bó mật thiết với đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam như Cơ Tu, Cor, Ca Dong, M’Nông, nên những nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng trong thế hệ trẻ là rất đáng ghi nhận.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!