TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Quảng Nam phát huy vai trò của lễ hội dân gian truyền thống

Đỗ Vinh, Lê HuyCập nhật 08:41 ngày 14/12/2024

VTV.vn - Với sự đầu tư đúng hướng và có cách làm phù hợp, văn hóa truyền thống các dân tộc miền núi Quảng Nam với các lễ hội dân gian truyền thống đã được bảo tồn khá nguyên vẹn.

Với đồng bào các dân tộc ít người ở nước ta, vào thời điểm này, khi vụ mùa kết thúc là thời điểm thích hợp để bà con tổ chức các lễ hội truyền thống của dân tộc mình. Nếu chúng ta đến các buôn làng Tây Nguyên, khi tiết trời ngày cuối năm se lạnh, dân làng thường xuyên tổ chức uống rượu cần, biểu diễn cồng chiêng bên nhà sàn thì tại miền núi cao dọc dãy Trường Sơn, đồng bào nơi đây cũng tổ chức nhiều lễ hội lớn. Có thể nói, lễ hội là thành tố quan trọng tạo ra bản sắc văn hóa riêng của một cộng đồng. Với những giá trị tốt đẹp từ lễ hội, cộng đồng làng đã giữ gìn khá nguyên vẹn các lễ hội dân gian truyền thống.

Tại vùng cao xứ Quảng, vụ lúa năm nay được mùa. Những hạt lúa to nhất, đẹp nhất được người dân Làng Kon Pin, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My nằm lưng chừng núi Ngọc Linh lựa chọn để cúng thần lúa. Theo luật tục, già làng định ngày giờ tổ chức lễ tạ ơn thần lúa. Đây là lễ thức lớn nhất, quan trọng nhất trong chu kỳ một mùa rẫy của đồng bào các dân tộc Trường Sơn ở miền Trung. Do vậy, lễ vật cúng thần lúa, dân làng làm ra. Đây cũng là cách để bà con tri ân thần lúa, tôn kính thần rừng đã mang lại sự ấm no cho dân làng.

Nếu người dân đồng bằng tổ chức cúng lúa mới trong phạm vi gia đình thì với đồng bào vùng cao Quảng Nam, hầu hết bà con tổ chức lễ thức này theo phạm vi cộng đồng làng. Sau phần lễ, dân làng tổ chức phần hội với nhiều hoạt động vui chơi truyền thống. Ngoài trình diễn cồng chiêng, hát đối đáp, trò chơi dân gian, thi ẩm thực - nấu món ăn truyền thống thu hút được nhiều cộng đồng làng tham gia. Từ hạt lúa ngoài đồng, dân làng đã chế biến ra nhiều món ngon để dâng cúng thần linh và tiếp đãi thực khách.

Trong khi đồng bào Xê Đăng trên đỉnh Ngọc Linh đang tưng bừng cúng lúa mới thì ở chân núi này, đồng bào Ca Dong tổ chức lễ cúng máng nước. Đây là lễ thức có từ lâu đời để tạ ơn mẹ rừng đã mang lại nguồn nước mát lành. Nước là mạch nguồn của sự sống. Theo luật tục, ai làm bẩn đục nguồn nước, ai phá rừng đầu nguồn sẽ bị làng phạt nặng. Bảo vệ nguồn nước là trách nhiệm của cộng đồng làng.

Trong tín ngưỡng dân gian các cư dân sống dọc dãy Trường Sơn, lễ hội là không gian văn hóa để mỗi người thỏa mãn nhu cầu tâm linh, kỳ vọng, ước vọng vào những điều tốt đẹp. So với các dân tộc Tây Nguyên thì phạm thời gian và cả quy mô lễ hội các dân tộc vùng cao Quảng Nam thường gói gọn trong cộng đồng làng. Tuy nhiên, những ngày lễ hội, chúng ta cảm nhận rất rõ bức tranh văn hóa của mỗi cộng đồng một cách đầy đủ nhất, sinh động nhất. Đây là tài sản văn hóa vô giá cần bảo tồn và phát huy.

Có thể nói, những lễ hội gắn chặt với đời sống hằng ngày và rất gần gũi của bà con như lễ cúng lúa mới hay lễ cúng máng nước. Có thể thấy, những lễ hội dân gian này chính người dân là chủ nhân, chủ thể của lễ hội. Đây là dịp để dân làng thể hiện tinh thần đoàn kết, bảo tồn các truyền thống của cộng đồng mình. Với ý nghĩa đó, những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư nhiều mặt để khôi phục lại các lễ hội truyền thống đã mai một. Ngoài ra, tỉnh này thường xuyên tổ chức lễ hội chung cho đồng bào dân tộc cho 9 huyện miền núi giao lưu. Đây là cách bảo tồn văn hóa và phát huy những mặt tốt đẹp của lễ hội.

Những khu rừng Pơ Mu hàng trăm năm tuổi nằm ở vùng biên giới huyện Tây Giang, Quảng Nam. Đây là rừng thiêng ở đầu nguồn, được bảo vệ bằng luật tục của đồng bào Cơ Tu. Xưa kia, mỗi năm, khi mùa mưa kết thúc, dân làng tổ chức lễ tạ ơn rừng – hay còn gọi là lễ cúng rừng. Nhưng qua thời gian, lễ hội này mai một. Chính quyền địa phương cùng các già làng xã AXan đã khôi phục lại lễ thức độc đáo này. Từ khi có lễ tạ ơn rừng, đồng bào Cơ Tu các xã vùng biên của huyện Tây Giang, Quảng Nam đã bảo vệ nghiêm ngặt những cánh rừng pơ mu quý này.

Khi già làng hoàn tất nghi thức cúng ở rừng già thì ở làng, ngày hội cũng bắt đầu. Cúng rừng là lễ lớn nhất trong năm của đồng bào Cơ Tu. Gìa trẻ, trai gái đều tham gia lễ thức quan trọng này. Những ngày lễ hội, tiếng khèn của già làng như dẫn dắt dân làng lang thang qua những cánh rừng thiêng. Và tiếng chiêng vang xa đến tận trời xanh để cảm tạ thần rừng đã che chở cho dân làng qua thiên tai bão lũ.

Những năm qua, nhờ sự vào cuộc có trách nhiệm của ngành văn hóa, bà con vùng cao đã phục dựng lại được nhiều lễ hội truyền thống tưởng chừng rơi vào quên lãng. Ngoài ra, tỉnh này còn vận động người dân bỏ dần các lễ hội không phù hợp, tốn kém thời gian và kinh phí. Các lễ hội gắn với không gian diễn xướng cộng đồng làng và có ý nghĩa riêng, người dân là chủ thể nên bà con đồng bào các dân tộc vùng cao Quảng Nam đã duy tổ chức các lễ hội sau khi đã được phục dựng.

Với sự đầu tư đúng hướng và có cách làm phù hợp, văn hóa truyền thống các dân tộc miền núi Quảng Nam đã được bảo tồn khá nguyên vẹn. Hiện nay, tỉnh Quảng Nam tiếp tục triển khai đề Dự án bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với du lịch. Đây được xem là cơ hội tốt để tỉnh này đánh thức những gia sản văn hóa độc đáo đang được lưu giữ ở mỗi ngôi làng. Cũng tại Quảng Nam, mô hình du lịch văn hóa cộng đồng đã bắt đầu phát triển và thu hút được sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế.

Nước ta có hơn 7000 lễ hội dân gian. Riêng với đồng bào vùng núi cao Quảng Nam, nhờ có sự hướng dẫn và định hướng cụ thể nên hầu hết các lễ hội không phù hợp dần bị loại bỏ. Đến nay, hầu hết các ngôi làng đồng bào Cơ Tu, Ca Dong, Xê Đăng, Mơ Nông, Kor dường như đã bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống. Có thể nói, Quảng Nam là điểm sáng về bảo tồn văn hóa cơ sở.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Hà Tĩnh dồn lực về đích xây dựng Nông thôn mới

VTV.vn-Trong năm 2024, Hà Tĩnh đặt mục tiêu duy trì 100% số xã đạt chuẩn, phấn đấu 100% huyện, thành phố, thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới và đang dồn lực về đích.