Nhà máy dừng hoạt động, nợ lương công nhân, nợ tiền điện, nợ thuế, nợ tiền thuê đất và nợ ngân hàng với số tiền lên đến 3000 tỷ đồng. Sau một năm rưỡi đóng cửa, nhà máy được đầu tư 2.900 tỷ đồng đang đắp chiếu và có nguy cơ thành đống sắt vụn. Theo Lãnh đạo Công ty Cổ phần sản xuất sô đa Chu Lai, để nhà máy hoạt động lại, cần có thêm 300 tỷ đồng. Tỉnh Quảng Nam và ngân hàng cần phải giãn thời gian trả nợ.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu tỉnh Quảng Nam báo cáo toàn diện, và tỉnh này cũng đã có báo cáo chi tiết, tuy nhiên chưa đưa ra được giải pháp xử lý. Ngoài hàng vạn tấn than và muối, nhà máy này đang lưu trữ một lượng lớn khí ammoniac. Nếu để rò rỉ sẽ rất nguy hiểm, đây là lý do khiến chính quyền và người dân huyện Núi Thành rất lo ngại khi nhà máy hoạt động lại.
Không thu được số nợ gần 2 nghìn tỷ đồng, ngân hàng Agribank đã khởi kiện Công ty sô đa Chu Lai ra tòa. Và thông tin mới nhận được từ Lãnh đạo công ty sô đa Chu Lai, Công ty vừa có kiến nghị gửi ngân hàng Agribank và PVcombank xin miễn toàn bộ nợ lãi vay tồn đọng; thời gian trả nợ kéo dài 20 năm; thời gian ân hạn (thời gian từ lúc giải ngân lần đầu cho đến ngày trả vốn gốc đầu tiên, trong khoảng thời gian đó khách hàng chưa phải trả nợ gốc) 18 tháng. Trong khi đó, phía ngân hàng Agribank đã cử đoàn công tác sang Trung Quốc làm việc với Công ty Thiên Thần Trung Quốc – nhà thầu xây dựng và cung cấp thiết bị cho nhà máy sô đa Chu Lai để tìm hướng khắc phục. Đồng thời ngân hàng này cũng đang xúc tiến hợp tác với công ty Liên Vận Cảng – chuyên sản xuất sô đa tại Trung Quốc để cải tạo, nâng công suất nhà máy sô đa Chu Lai.