Đô thị hóa, hiện đại hóa nông thôn là một thực tế và ít nhiều mang tính tất yếu. Thế nhưng đầu tư hạ tầng, khai thác quỹ đất là lĩnh vực nhạy cảm nếu mục tiêu làm giàu của doanh nghiệp và phát triển hạ tầng đối lập nhau, nhất là thời điểm bất động sản nóng lên. Hiện nay, nhiều địa phương, nhất là khu vực đồng bằng đi đâu cũng gặp các dự án xây dựng khu đô thị, khu dân cư, trong đó không ít dự án không được người dân đón nhận, bởi thực chất là giải tỏa nhà cửa, ruộng vườn của nông dân rồi phân lô bán đất nền. Ví dụ như tại Quảng Nam, hiện nay có gần 300 dự án khai thác quỹ đất, hầu hết nằm trên đất nông nghiệp và các khu dân cư ở nông thôn có vị trí đắc địa. Sẽ không có gì đáng nói nếu chính quyền và doanh nghiệp quan tâm đến người dân hậu giải tỏa. Thực tế là chính quyền thu hồi đất sản xuất, giải tỏa nhà cửa giao đất cho doanh nghiệp với giá đền bù rẻ mạt, nông dân mất đất sản xuất lâm vào cảnh khốn khó khiến người dân vô cùng bức xúc.
Chưa có giấy phép nhưng vẫn tiến hành lấp đất ruộng, tiến hành xây dựng công trình. Và nhiều dự án còn bán đất trên giấy – nghĩa là khi mới có chủ trương đầu tư. Có thể nói rằng, tại nhiều tỉnh thành khác, đặc biệt là Quảng Nam, các dự án khai thác quỹ đất nở rộ theo kiểu mạnh ai nấy làm, không tuân thủ những quy hoạch chung. Doanh nghiệp thì chạy theo lợi nhuận, chính quyền địa phương thì muốn tăng nguồn thu ngân sách từ việc bán đất khiến nhiều khu dân cư, khu đô thị hiện nay manh mún và tồn tại nhiều bất hợp lý.
Trạm thu phí quốc lộ 1A tại xã Điện Thắng Bắc, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) là điểm dễ xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông vào những ngày cao điểm. Tuy nhiên, UBND tỉnh Quảng Nam đã cấp phép cho Công ty Đầu tư và Phát triển DHTC xây dựng khu dân cư với diện tích 9,8 héc-ta trên đất lúa. Theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, trạm thu phí phải đặt ở khu vực xa khu dân cư. Vậy trường hợp này liệu đã hợp lý?
Quá trình đô thị hóa, xây dựng khu dân cư mới là hết sức cần thiết. Tuy nhiên thực tế hiện nay, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt dự án nhỏ lẻ, quy hoạch thiếu đồng bộ khiến đô thị manh mún, nhiều dự án liên tục xin được điều chỉnh phê hoạch nhằm có lợi nhất cho nhà đầu tư. Hơn nữa, việc quy hoạch khu dân cư, khu đô thị trên đất lúa 2 vụ là điều bất hợp lý.
Đầu tư dự án, khai thác quỹ đất nếu chỉ vì cái lợi trước mắt mà không thẩm định kỹ dự án để khớp nối với quy hoạch chung thì bức tranh đô thị chắp vá là điều dễ hiểu. Việc cấp phép ồ ạt các dự án khai thác quỹ đất đội lốt khu đô thị mới, khu dân cư mới sẽ để lại những hệ quả khó lường.
Thực tế hằng ngày, những người dân nằm trong vùng giải tỏa luôn đối mặt với vô vàn khó khăn. Nhưng vì lý do khác nhau, cuối cùng người dân cũng phải đồng ý đập nhà - giao đất cho dự án. Nhưng dư luận không khỏi nghi ngờ vì sao chỉ tại thị xã Điện Bàn đã có 24 dự án đang thi công dở dang, 42 dự án chưa triển khai và gần 100 dự án đang làm thủ tục đầu tư? Và con số này sẽ còn tăng nếu thống kê trên toàn tỉnh Quảng Nam.