TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Quảng Nam trồng cây bản địa tái tạo rừng nguyên sinh

Đỗ Vinh, Lê HuyCập nhật 10:49 ngày 14/08/2024

VTV.vn - Gần 10 năm qua, từ nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, tỉnh Quảng Nam đã ưu tiên trồng và tái tạo những cánh rừng nguyên sinh bị tổn thương bằng các loại cây bản địa.

Nằm ở Trung Trường Sơn, Quảng Nam hiện có những cánh rừng liền mạch lớn nhất nước ta. Chính rừng nguyên sinh tỉnh này có trữ lượng gỗ lớn và địa phương này từng là điểm nóng về khai thác gỗ trái phép, gây tổn hại đến hệ sinh thái.

Tại vườn quốc gia Sông Thanh, một trong những khu rừng đặc dụng lớn nhất nước ta, dù quy hoạch rừng đặc dụng Sông Thanh nhưng trên thực tế không còn rừng. Từ nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng, Ban Quản lý vườn quốc gia Sông Thanh đã tổ chức trồng lại 20 héc ta khu vực này bằng các loại cây bản địa như dổi ăn hạt, ươi bay. Để rừng phát triển, hơn 20 nhân viên bảo vệ rừng cắm chốt cả năm nay. Máy bơm công suất lớn, bể chứa nước hàng chục mét khối và hệ thống tưới tự động được trang bị để chăm sóc cây rừng.

Còn tại lòng hồ thủy điện sông Bung 4 thuộc lâm phận vườn quốc gia Sông Thanh trước đây là rừng lim xanh rất quý nhưng đã bị lâm tặc triệt hạ. Cũng từ nguồn kinh phí thu được từ thủy điện, chủ rừng đã tổ chức trồng lại lim xanh. Đến nay, rừng lim từ 4- 7 năm tuổi sinh trưởng rất tốt. Theo thiết kế, ở độ tuổi này thì không cần phát dọn thực bì, bón phân nhưng với vườn quốc gia Sông Thanh, việc chăm sóc có thể kéo dài nhiều năm.

Việc trồng rừng thay thế hoặc phục hồi lại các khu rừng nguyên sinh vốn bị tổn thương là nhiệm vụ rất quan trọng, được các ban quản lý rừng đang triển khai. Tại vườn quốc gia, đơn vị này đã trồng hàng trăm héc ta cây lim bản địa, sinh trưởng tốt và bắt đầu khép tán.

Quảng Nam có gần 780 ngàn héc ta rừng và đất quy hoạch phát triển rừng. Mỗi năm, tỉnh này thu gần 200 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Từ nguồn thu này, Quảng Nam đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng. Thời gian qua, 11 ban quản lý rừng của tỉnh Quảng Nam gấp rút triển khai đề án tái tạo rừng tự nhiên bằng cây bản địa. Chủ rừng còn hỗ trợ người dân khôi phục lại rừng tự nhiên để trồng dược liệu dưới tán rừng. Với mô hình này, mỗi năm, hàng ngàn héc ta rừng nghèo đã dần được hồi sinh, diện tích rừng bị xâm hại cũng đã xanh trở lại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao hiệu quả thực thi hiệp định CPTPP

VTV.vn- Để nâng cao hiệu quả thực thi CPTPP, Việt Nam cần đào tạo đội ngũ chuyên gia, nguồn nhân lực chất lượng cao một cách bài bản, kịp thời đáp ứng nhu cầu của đất nước