Nhiều năm trước, Hòn Đỏ (NInh Thuận) được Chương trình môi trường của Liên hợp quốc đưa vào diện bảo vệ nghiêm ngặt. Nơi đây cũng đã từng được chọn thực hiện dự án Mạng lưới hành động rạn san hô toàn cầu. Năm 2003, tổ cộng đồng bảo vệ rạn san hô Hòn Đỏ chính thức đi vào hoạt động, tuy nhiên sự tồn tại của tổ bảo vệ này cũng như số phận của những rạn san hô dưới đáy biển, nhanh chóng biến mất ngay sau khi dự án kết thúc.
Chiều ở Làng biển Mỹ Hiệp. Không ít người vẫn ra vào khu vực rạn san hô để đánh bắt cá tôm như một thói quen chẳng dễ gì từ bỏ. Còn tàu thuyền thì vô tư ra vào, neo đậu trên bãi rạn. Mỗi người một cách, góp tay "giết chết" san hô.
Còn rất lâu, những ngư dân vùng vịnh này thôi cảm thấy hụt hẫng khi chẳng thể làm gì để rạn san hô nơi mình sinh sống khỏi bị tàn sát, dù đã từng đến rất gần công việc bảo vệ môi trường biển. Còn rất lâu, những hành động thật sự có ý nghĩa tích cực cho những rạn san hô mới được thực hiện ở Hòn Đỏ dù người ta đã hô hào bảo tồn san hô từ hàng chục năm trước. Lúc này, nhìn những rừng san hô dưới đáy biển Hòn Đỏ, không ít người có cảm giác rằng, chúng như đang thoi thóp thở, với tiếng kêu cứu tuyệt vọng… cứ ngày một yếu dần.