Phần lớn các vụ phá rừng được cơ quan chức năng điều tra, khởi tố song hằng ngày, từ Tây Nguyên đến Tây Bắc và các tỉnh Nam Trung bộ, rừng vẫn bị triệt hạ để lấy đất sản xuất hay lấy gỗ để bán. Phá rừng vẫn là đề tài nóng trên nhiều diễn đàn, thậm chí trên các phương tiện truyền thông.
Tại miền Trung, Quảng Nam là địa phương có diện tích rừng đứng đầu bảng (gần nửa triệu héc ta rừng tự nhiên). Những năm trước đây, nạn phá rừng diễn ra tràn lan. Rừng đã giao khoán cho cộng đồng nhưng trên thực tế, những người giữ rừng đã cấu kết với lâm tặc để triệt hại rừng. Trước thực trạng trên, tỉnh này đã cải tổ toàn bộ lực lượng giữ rừng theo phương châm "Rừng phải có chủ" và "bảo vệ rừng tại gốc". Không chỉ có bảo vệ rừng, tỉnh này đang nỗ lực để phát triển rừng.
Song song với cộng đồng làng giữ rừng, Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam cho phép các Ban quản lý rừng được hợp đồng với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Đến nay, tỉnh và các chủ rừng đã hợp đồng với hơn một ngàn nhân viên bảo vệ rừng làm nòng cốt để bảo vệ rừng. Lực lượng giữ rừng chuyên trách phần lớn là con em đồng bào địa phương. Mô hình cộng đồng làng kết hợp với lực lượng giữ rừng chuyên trách đã phát huy hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng.
Đồng bào Cơ Tu ở huyện miền núi như Đông Giang và Tây Giang rất có trách nhiệm bảo vệ rừng. Phần lớn bà con sống dựa vào rừng và hưởng lợi từ rừng. Từ thực tế này mà tỉnh Quảng Nam đã cho phép Ban quản lý rừng phòng hộ huyện hợp đồng với hơn 100 cộng đồng thôn, bảo vệ rừng hơn 100 ngàn héc ta rừng tự nhiên.
Chính cộng đồng làng Cơ Tu tham gia tuần tra bảo vệ rừng đã kịp thời phát hiện được nhiều vụ xâm hại đến rừng. Với nguồn thu lao là 600 ngàn một héc ta một năm do quỹ bảo vệ rừng chi trả, đây sẽ là nguồn thu nhập giúp bà con cải thiện cuộc sống, yên tâm giữ rừng đầu nguồn. Mùa mưa cũng như mùa nắng, bà con chia phiên nhau đi tuần tra. Vị trí tuần tra sẽ được đánh dấu trên phần mềm bảo vệ rừng. Các chủ rừng sẽ căn cứ vào đây để thanh toán các khoản hỗ trợ từ nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng. Ngoài ra, khi rừng được bảo vệ, bà con có thêm nguồn thu nhập từ lâm sản dưới tán rừng hoặc trồng dược liệu trong rừng. Chính vì vậy mà một số người trước đây chuyên sống bằng nghề khai thác gỗ trái phép đã tích cực tham gia bảo vệ rừng. Sau thành công ban đầu về giữ rừng, tỉnh Quảng Nam đang nỗ lực phát triển, tái tạo những diện tích rừng bị xâm hại.
Mỗi năm, tỉnh Quảng Nam thu trên 200 tỷ đồng từ dịch vụ môi trường rừng, chủ yếu là các hồ thủy điện. Nguồn kinh phí này được tái đầu tư để thuê cộng đồng bảo vệ rừng và chi trả lương cho lực lượng giữ rừng chuyên trách và đầu tư cây giống cho bà con. Riêng tại các lưu vực lòng hồ, chính quyền địa phương và các chủ hồ thủy điện đã hỗ trợ gạo để người dân đủ ăn, chuyển đổi đất lúa rẫy thành rừng tự nhiên.
Giữ để rừng không còn chảy máu không phải là dễ. Khi rừng đã không còn chảy máu nữa thì việc chữa lành vết thương cho rừng đang là quyết tâm lớn của tỉnh Quảng Nam. Việc vận động người dân giao lại đất trong vùng chồng lấn với rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để phục hồi rừng được xem là thành công khi người dân có nguồn thu nhập khác thay thế thu nhập từ nương rẫy lấn chiếm. Sắp đến đây, nếu dự án bán tín chỉ carbon rừng của tỉnh Quảng Nam được giao dịch trên thị trường thế giới, tỉnh này sẽ thu được hàng trăm tỷ đồng. Và đây sẽ là nguồn kinh phí rất lớn để đầu tư bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!