Trong nội dung cam kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA,.. không chỉ lĩnh vực truyền thống mà còn bao gồm những lĩnh vực phi truyền thống như lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ. Nội dung cam kết tương đối phức tạp và có nhiều tiêu chuẩn cao, đòi hỏi phải có một đội ngũ nhân lực có thể hiểu sâu và hiểu rõ, giúp các cơ quan quản lý ở cấp địa phương cũng như doanh nghiệp thực thi hiệu quả. Tuy nhiên, nguồn nhân lực, đặc biệt là chuyên gia còn rất hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu thực thi hiệu quả các FTA thế hệ mới như CPTPP.
Theo Bộ Công thương, để nâng cao hiệu quả thực thi các FTA nói chung, Hiệp định thương mại tự do CPTPP nói riêng, cần phải xác định đúng đối tượng đào tạo, bồi dưỡng. Ưu tiên những người trực tiếp chịu tác động từ các FTA để thiết kế nội dung đào tạo phù hợp, kết hợp lý thuyết và thực tiễn, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các địa phương. Điều này sẽ giúp các đối tượng liên quan nâng cao kiến thức và kỹ năng, từ đó thực thi CPTPP một cách hiệu quả hơn.
Bên cạnh rất nhiều những giải pháp đồng bộ để hỗ trợ cho các địa phương và doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các FTA, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ kiến nghị giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng một chương trình với các trường đại học và cao đẳng để hỗ trợ cho các địa phương, các doanh nghiệp. Hiện nay, các Bộ, ngành và địa phương cũng đã chuẩn bị nhân lực của các cơ quan quản lý nhà nước, còn các doanh nghiệp cũng sẵn sàng cử nhân sự đi đào tạo, bồi dưỡng.
Với những nỗ lực đồng bộ từ các bên, cùng quyết tâm của Chính phủ, các chuyên gia tin tưởng, Việt Nam sẽ từng bước đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, thực thi hiệu quả hơn các FTA thế hệ mới, trong đó có CPTPP, tạo đà cho phát triển kinh tế đất nước. Đây là cơ sở vững chắc để doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực cạnh tranh, thâm nhập thành công vào thị trường mới qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!