Trong những năm qua, chính sách về phát triển mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho giáo dục vùng cao đã được tăng cường. Tuy nhiên, hệ thống chính sách ấy chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo của địa phương, đặc biệt ở một số trường chuyên biệt vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Bước vào năm học mới 2023 - 2024, ngành giáo dục tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, nhất là ở các khối lớp đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Tuy nhiên thực tế, tình trạng thiếu thiết bị giảng dạy vẫn xảy ra ở một số địa phương, nhất là các trường học trên địa bàn miền núi. Để thực hiện hiệu quả chương trình phổ thông 2018 không phải là điều dễ dàng.
Thanh Hóa là một tỉnh lớn với 11 huyện miền núi, đây là các địa bàn hết sức khó khăn trong khi quy mô của các cơ sở giáo dục tại đây cũng rất lớn. Ước tính có trên 630 cơ sở giáo dục với hơn 9.000 điểm trường và khoảng 240.000 học sinh, tương ứng với 1/3 số học sinh toàn tỉnh.
Theo Sở GD&ĐT Thanh Hóa, nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng thiếu thốn nghiêm trọng trang thiết bị dạy học, cơ sở vật chất tại các huyện miền núi là do điều kiện kinh tế ở đây còn khó khăn, sự đầu tư nguồn lực của Nhà nước có hạn, trong khi đó khả năng xã hội hóa ở khu vực này còn rất hạn chế. Qua kiểm tra, rà soát, khu vực miền núi Thanh Hóa ước tính thiếu trên 2.600 phòng học bộ môn, phòng chức năng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!