Trong những tháng gần đây nhiều quốc gia trên thế giới đang ghi nhận đợt bùng phát dịch sởi với quy mô chưa từng thấy trong nhiều năm qua khi số ca nhiễm sởi tại châu Âu đã tăng gần gấp đôi so với năm ngoái còn tại châu Á, số ca nhiễm sởi tại Nhật và Thái Lan cũng tăng đột biến và ít nhất đã có 10 trường hợp tử vong.
Tại 7 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu EU đã ghi nhận 41.000 trường hợp nhiễm sởi với gần 40 ca tử vong, cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Ukraina là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất, chiếm hơn nửa số người nhiễm sởi ở châu Âu, tiếp theo là Serbia, Nga, Pháp, Hy Lạp, Italia và Romania. Trong khi đó tại Thái Lan chỉ trong vòng 1 tháng qua đã có gần 900 trẻ em từ 9 tháng đến 5 tuổi bị nhiễm sởi, trong đó 10 em đã tử vong do biến chứng viêm phổi và viêm màng não. Nhật Bản cũng đang đối phó với sự bùng phát dịch sởi lần đầu tiên vượt hơn 1100 ca, tăng gấp 12 lần so với năm ngoái, phần lớn số bệnh nhân nhiễm sởi được phát hiện tại thủ đô Tokyo của Nhật.
Trong diễn biến mới nhất Mỹ, Australia, Trung Quốc đã ban hành cảnh báo du lịch tới Nhật Bản do lo ngại lây nhiễm dịch sởi tại nước này. Ngay khi dịch sởi vừa bắt đầu quay có dấu hiệu trở lại sau nhiều năm tạm lắng, các chuyên gia dịch tễ học lập tức tìm hiểu hồ sơ của các bệnh nhân nhập viện điều trị sởi và đưa ra nhận định về nguyên nhân của sự bùng phát mới này.
Theo dữ liệu hồ sơ bệnh án của các bệnh nhân sởi, từ tháng 8 đến tháng 9 năm 2018, 10% trường hợp mắc bệnh sởi ở các nước châu Âu xảy ra ở những người già không thể nhớ nổi khi nào họ được chủng ngừa lần cuối, khoảng 9% trường hợp mắc bệnh sởi ở trẻ em chỉ được chủng 1 liều vắc-xin ngừa sởi, và 5% trường hợp ở nhiễm sởi ở trẻ em đã tiêu 2 liều vắc-xin. Ngoài ra trong số tất cả trẻ em chưa được chủng ngừa bị bệnh sởi, có 94% là trẻ 1 tuổi hoặc nhỏ hơn. Tất cả các thống kê này đều chỉ rằng đối tượng dễ nhiễm sởi là những người cao tuổi không được chủng ngừa, những trẻ chỉ được tiêm 1 liều vắc xin và những trẻ còn quá nhỏ chưa đủ tuổi để chủng ngừa. Cả 3 yếu tố này đều hội tụ ở những quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong bùng phát dịch sởi lần này với tỷ lệ tiêm chủng sởi đã giảm xuống dưới 70% trong khi để có thể ngăn ngừa dịch sởi bùng phát, phải có ít nhất 95% dân số được chủng ngừa.
Nhờ chiến dịch tiêm chủng thành công trong nhiều năm trước, bệnh sởi đã từng bị xóa sổ tại Mỹ nhưng hiện nay ở nước này đã phát hiện nhiều ca mắc sởi ở những khu vực đang rộ lên phong trào không cho con đi tiêm chủng bắt nguồn từ nghiên cứu bị cố tình làm sai lệch của cựu bác sĩ Andrew Wakefield nhằm đưa ra kết luận vắc-xin MMR ngừa sởi, quai bị và rubella có liên quan đến chứng tự kỷ do ông này muốn xin bằng sáng chế cho một vắc-xin sởi khác thay thế MMR. Nghiên cứu này đã bị rút lại và Wakefield bị tước giấy phép hành nghề. Mặc dù nhiều nghiên cứu tiếp theo của các nhà khoa học khác chỉ ra hoàn toàn không có mối liên hệ giữa vắc-xin và chứng tự kỷ, nhiều phụ huynh không nắm đầy đủ thông tin vẫn từ chối chủng ngừa cho con em họ.
Trước thực trạng tẩy chay việc tiêm phòng cho trẻ nhỏ, nhiều quốc gia châu Âu như Pháp, Đức, Italia đã bắt đầu ban hành cơ chế xử phạt những bậc phụ huynh không cho con em mình đi tiêm phòng đầy đủ 10 mũi vaccines bắt buộc trước khi nhập học với mức phạt lên tới 3000 USD. Australia cũng đang xem xét cấm trẻ em chưa tiêm phòng tới trường đồng thời phạt 24.000 USD với những ngôi trường để trẻ không tiêm phòng đi học. Theo các chuyên gia, vaccine là phương pháp hiệu quả để phòng tránh nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm và xác suất để xảy ra ra những tác dụng không mong muốn là vô cùng nhỏ so với những nguy hại từ việc không tiêm phòng, bởi theo thống kê có tới 30% trường hợp bệnh nhân sởi bị biến chứng mù lòa, viêm phổi và viêm não dẫn đến tử vong.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!