TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Tiêu điểm: Khó khăn trước thềm năm học mới

VTV8Cập nhật 10:14 ngày 20/08/2018

VTV.vn - Khó khăn do thiếu trường lớp vẫn là câu chuyện nóng hàng năm trước thềm năm học mới. Hệ thống trường lớp ở khu vực miền núi xuống cấp nặng nề, chưa được đầu tư kịp thời.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nhiều địa phương còn thiếu phòng học để học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày. Về phòng học bộ môn, cấp THCS mới chỉ đạt tỷ lệ 66,8% so với quy định, cấp THPT là 72,8%. Thiết bị trong phòng học bộ môn mới đáp ứng 68% yêu cầu. Hãy đến các huyện vùng cao, vùng xa của hai trên nhiều tỉnh khó khăn và ảnh hưởng thiên tai khá nặng nề trong năm vừa qua của miền Trung và Tây Nguyên để rõ hơn tình hình khó khăn về trường lớp trước thềm năm học mới.  

Tỉnh Quảng Ngãi: Hậu quả của tình trạng sạt lở núi trong mùa mưa những năm trước đến nay ở tỉnh này vẫn chưa được khắc phục khiến cho cơ sở vật chất của nhiều trường học ở nhiều huyện vùng cao gặp nhiều khó khăn. Học sinh sẽ học hành ra sao khi điều kiện thiếu thốn trăm bề, nhất là với học sinh bán trú việc theo đuổi cái chữ vô cùng cực nhọc. 

Gần kề ngày khai giảng, công tác xử lý và khắc phục hậu quả của sạt lở từ mùa mưa bão năm trước ở khu nhà bán trú cho học sinh của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Trà Khê vẫn chưa xong. Đồng nghĩa là trường không thể đáp ứng việc bán trú của học sinh trong năm học mới.

Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, nguồn kinh phí 6 tỷ đồng từ hỗ trợ của tỉnh và của huyện đầu tư cho cơ sở vật chất ngành giáo dục không thể đủ để Tây Trà khắc phục các điểm trường bị sạt lở và thực hiện kiên cố hóa lớp học. Sạt lở của năm trước hiện vẫn chưa thể khắc phục xong thì ngành giáo dục ở huyện vùng cao Quảng Ngãi lại phải đối diện với nguy cơ đe dọa sạt lở trong mùa mưa bão tới.

Giải pháp chuyển số học sinh trong vùng sạt lở đến các điểm trường an toàn để học khiến cho nhiều cơ sở giáo dục ở huyện vùng cao Tây Trà quá tải. Hệ quả là số phòng học tạm ở huyện vùng cao Tây Trà Quảng Ngãi trong năm học mới này vẫn tiếp tục gia tăng. Mong muốn xóa lớp học tạm bợ vẫn còn khá xa vời ở huyện vùng cao và là huyện được coi là nghèo nhất nước này.

Toàn huyện Tây Trà hiện còn 34 phòng học tạm ở các cấp học từ mầm non đến trung học cơ sở. Điều này cũng có nghĩa là hành trình đi tìm con chữ của học sinh vùng cao ở Quảng Ngãi vẫn còn lắm gian nan…

Tỉnh Ninh Thuận: Bên cạnh việc dựng các phòng học phòng ở tạm cho các em từ nỗ lực của các địa phương thì một giải pháp đang được tỉnh Ninh Thuận triển khai là huy động các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị trường học. Năm học 2018 – 2019, học sinh các cấp học tại tỉnh Ninh Thuận dự kiến tăng thêm 1.400 em so với năm học trước. Điều này đòi hỏi phải tăng thêm số lượng trường lớp để đáp ứng nhu cầu thực tế..

Năm học 2018 – 2019, tỉnh Ninh Thuận đã huy động các nguồn lực xã hội đầu tư gần 167 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học trên toàn tỉnh. Cùng với nguồn vốn ngân sách đầu tư khoảng 100 tỷ đồng, trong năm học mới này, tại tỉnh Ninh Thuận đã có thêm hàng trăm phòng học từ mầm non đến trung học phổ thông được xây mới.

Theo dự kiến, thì tháng 4/2019, một trường trung học cơ sở với kinh phí 38 tỷ đồng do một doanh nghiệp tài trợ cũng sẽ được hoàn thành đáp ứng nhu cầu học tập của 800 học sinh.  Năm học này, tỉnh Ninh Thuận dự kiến có 138.000 học sinh các cấp. Từ các nguồn lực xã hội, nhiều trường lớp được đầu tư xây mới đang tạo tâm lý phấn khởi đối với phụ huynh và học sinh tại Ninh Thuận chuẩn bị bước vào năm học mới.

Thực tế thì việc huy động nguồn lực xã hội đầu tư vào cơ sở vật chất trường lớp đã được nhiều địa phương triển khai từ nhiều năm trước. Song hoạt động này mới chỉ phát huy hiệu quả ở thành phố, vùng đồng bằng, và đa phần là hình thức trường ngoài công lập. Còn ở vùng núi, ngay cả trường công mà thầy cô còn phải đến nhà vận động các em ra lớp, nói gì đến những chuyện khác. 

Trường mới chưa xây, nhà ở mới chưa có, còn phòng học cũ xuống cấp chưa sửa được đã bị mưa lũ đe dọa. Thực trạng này chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục các địa phương, rất cần 1 chiến lược căn cơ để phát triển giáo dục bền vững, nhất là những địa bàn khó khăn.

Những con đường gây bức xúc giữa lòng Đà Nẵng

VTV.vn - Hơn 7 năm qua, người dân ở một con đường tại TP Đà Nẵng phải sống chung với cảnh mưa lầy nắng bụi, những ổ voi ổ trâu và nguy cơ tai nạn giao thông luôn rình rập.