Mùa mưa bão năm nay, Quảng Nam thiệt hại nặng nề về nhiều lĩnh vực, trong đó sạt lở núi làm thiệt mạng nhiều người. Chỉ trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 12 vào đầu tháng 11, ở địa phương này đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở núi nghiêm trọng, hậu quả gần 30 người thiệt mạng và làm bị thương hơn 100 người. Kinh hoàng nhất là các vụ sạt lở núi xảy ở huyện Phước Sơn, Bắc Trà My và Nam Trà My. Nhiều ngôi làng đã bị xóa sổ. Thực tế đau lòng này cho thấy, công tác tái định cư vùng nguy cơ sạt lở núi là không hề đơn giản. Khó khăn về đất sản xuất là vấn đề chung của các huyện miền núi Quảng Nam trong công tác tái định cư. "An cư lạc nghiệp" nhưng nếu thiếu đất sản xuất thì khó mà an cư, điều này cũng lý giải công tác tái định cư những vùng có nguy cơ sạt lở thường không đạt tiến độ như mong muốn.
Không chỉ Quảng Nam, ở tỉnh Quảng Ngãi, công tác tái định cư cũng gặp không ít trở ngại. Mặc dù ngay từ đầu năm 2017, tỉnh Quảng Ngãi đã khẩn cấp khởi công xây dựng các khu tái định cư tập trung, với yêu cầu đặt ra là sẽ hoàn thành trước mùa mưa bão. Tuy nhiên do chậm tiến độ, việc di chuyển người dân vùng sạt lở đến nơi an toàn vẫn chưa thể thực hiện.
Tính mạng của con người là quan trọng nhất, và đảm bảo an toàn tính mạng của người dân luôn là ưu tiên hàng đầu của các cấp chính quyền. Nhưng tìm nơi tái định cư cho người dân vùng sạt lở vừa đảm bảo an toàn vừa hội đủ các yếu tố đáp ứng điều kiện sinh hoạt và sản xuất cho hàng chục ngàn hộ dân vùng cao đang là bài toán nan giải của nhiều địa phương. Hơn nữa, khí hậu ngày càng khắc nghiệt, lũ quét, sạt lở núi ngày càng khó lường, đòi hỏi chính mỗi người dân cũng cần chủ động phương án phòng tránh, chứ không thể mãi trông chờ vào sự hỗ trợ của địa phương.