Bộ Công Thương đang phối hợp với các Bộ ngành, địa phương và hiệp hội ngành hàng liên quan nghiên cứu, xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệp định thương mại tự do FTA, trong đó có CPTPP, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường toàn cầu. Trước mắt các hoạt động hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái sẽ tập trung vào một số mặt hàng chủ lực, thế mạnh tại từng địa phương.
Hiện các mặt hàng thuỷ sản của Việt Nam đã tiếp cận hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó khu vực thị trường Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chiếm khoảng 25% thị phần trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Đóng góp quan trọng vào kết quả này là một loạt giải pháp đồng bộ của các Bộ ngành và cả doanh nghiệp.
Không chỉ thuỷ sản; dệt may và sợi cũng là ngành thế mạnh, có nhiều đơn hàng xuất khẩu đến các nước trên thế giới mỗi năm. Để khai thác tối đa cơ hội từ các FTA mà Việt Nam đang tham gia, ký kết, trong đó có CPTPP; một đề án xây dựng các hệ sinh thái hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đang được Bộ Công thương phối hợp các đơn vị chức năng triển khai.
Đề án này tập trung vào cách thức kết nối, vai trò, lợi ích của các bên tham gia; cách thức hoạt động để hỗ trợ các doanh nghiệp, cũng như đưa lộ trình xây dựng Hệ sinh thái trong thời gian tới, trước mắt tập trung vào các ngành hàng chính như da giày, dệt may, thủy sản, cà phê và quế. Cộng đồng doanh nghiệp đang rất chờ đón tham gia vào hệ sinh thái này.
Việc từng bước xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA là điều cấp thiết, trong bối cảnh doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn thực hiện gia công hoặc xuất khẩu nguyên liệu, bán thành phẩm; việc xây dựng và định vị thương hiệu cho các mặt hàng "Made in Viet Nam" tại các thị trường khó tính chưa được quan tâm đúng mức. Các chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp nhằm tận dụng cơ hội xuất khẩu từ các FTA cũng chưa phát huy được hiệu quả tối đa để đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Số lượng cán bộ có kinh nghiệm và chuyên môn sâu về FTA, có khả năng thực hiện việc đào tạo và hỗ trợ cho các tỉnh, thành còn thiếu.
Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới như CPTPP, đòi hỏi những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa từ các cơ quan quản lý thực thi FTA của trung ương và địa phương; cũng như những đột phá trong tư duy hành động. Hiện Bộ Công Thương đang xây dựng hệ sinh thái các FTA để liên kết 4 nhà: Cơ quan quản lý Trung ương; cơ quan quản lý địa phương; doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức tín dụng; người dân, hợp tác xã.
Việt Nam hiện đã ký kết, thực thi và đang đàm phán 19 hiệp định thương mại tự do (gọi tắt là FTA) song phương và đa phương với các nền kinh tế trên thế giới. Việc xây dựng các hệ sinh thái sẽ giúp tận dụng cơ hội từ các FTA này, đưa nhiều sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của mỗi địa phương trên cả nước tới các đối tác thương mại mới, từ đó giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể nâng cao giá trị, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất khu vực và toàn cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!